Vùng đất Cùa thuộc địa phận 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị có hơn 3.000 ha diện tích đất đỏ bazan. Trong số đó, hơn một nữa diện tích đất được nông dân dùng để trồng cây hồ tiêu. Nhiều năm qua, do dịch bệnh cũng như giá cả không ổn định cây tiêu xứ Cùa đã đánh mất đi vị thế vốn có của nó. Giờ đây, dưới sự giúp đỡ của chính quyền cũng như các nhà khoa học, cây hồ tiêu lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ trên mảnh đất phì nhiêu này.
Người nông dân mong muốn cây tiêu sẽ lại phát triển trên vùng đất Cùa... |
Những ngày này, hộ gia đình bà Trần Thị Phúc, thôn Cam Lộc 2, Cam Chính, Cam Lộ đang hồ hởi xây trụ để trồng lại vườn tiêu của nhà mình.
Trước đó, gia đình bà đã phải đành phá bỏ đi những xoái tiêu do dịch bệnh hoành hành làm chết dần chết mòn cả vườn tiêu đang trong độ cho quả sai.
Thời gian đó, giá hồ tiêu trên thị trường mất giá, bấp bênh khiến nhiều người tỏ ra nản chí khi theo đuổi loại cây trồng này.
Bà Phúc nhớ lại: “Cây tiêu thời điểm ấy một phần chết, một phần giá thấp không đủ cho gia đình tôi mua phân đạm và chăm sóc tiếp nên đành bỏ”.
Tuy nhiên, người dân nơi đây ai cũng thấy tiếc cho một thương hiệu đã in sâu trong lòng nhiều người ở khắp mọi vùng miền. Tiêu xứ Cùa hạt đen, chắc, có mùi thơm nồng đặc biệt. Đó là những lời nhận xét của rất nhiều người khi được nếm thử loại hương vị của vùng đất này.
Nhận biết được những lợi thế, giờ đây cả người dân và chính quyền địa phương đã bắt tay quyết tâm khôi phục thương hiệu hồ tiêu của vùng đất Cùa.
Cây tiêu phát triển tốt trên mảnh đất Cùa. |
Được sự cho phép của UBND huyện Cam Lộ, Công ty Thương mại Quảng Trị đã đứng ra triển khai “Đề án khôi phục cây tiêu vùng Cùa” với sự hợp tác chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nhiệp và chính quyền địa phương đại diện cho nhà nước.
Đề án dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian từ năm 2011 - 2015 với kinh phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng/năm. Trong đó, người dân được hỗ trợ tham quan học tập, chuyển giao kỹ thuật, giống, các loại chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức hội thảo cũng như các hoạt động khác nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn cho người dân trồng tiêu.... Đề án được triển khai thực hiện thí điểm với 30 mô hình thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ.
Sau một năm, trên cơ sở đánh giá kết quả của đề án sẽ tiếp tục nhân rộng ra trong toàn xã và toàn vùng Cùa.
Thành công của đề án sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình đến các huyện trồng tiêu trong toàn tỉnh như Gio Linh, Hướng Hóa, Vĩnh Linh.
Đây có thể được xem như là kết quả bước đầu trong chặng đường đi tìm lại thương hiệu cho hạt tiêu vùng Cùa. Qua đó, cũng cần phải nhân rộng mô hình kết hợp giữa các yếu tố vốn, lao động, kỹ thuật một cách chặt chẽ không riêng gì với cây hồ tiêu mà còn nhiều loại cây trồng có hiệu quả khác.
Văn Nhân