Không ai ăn sầu riêng thay cơm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nông dân cả nước vừa có một mùa sầu riêng được giá. Đó là một điều vô cùng đáng mừng. Nhưng đang trong niềm vui, chúng ta cũng phải nhìn trước thấy những nỗi lo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Số liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa công bố cho thấy cả nước hiện có 131 ngàn ha sầu riêng, nghĩa là mỗi năm tăng bình quân 24,5%, mức tăng trưởng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực.

Diện tích sầu riêng tăng liên tục từ 2010 đến nay. Đặc biệt, Tây Nguyên là khu vực có diện tích sầu riêng tăng nhanh nhất. Dù canh tác sau, Tây Nguyên nhanh chóng vươn lên dẫn đầu với diện tích sầu riêng gần 70 ngàn ha, tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.

Tây Nguyên xưa nay nổi tiếng về cây cà phê, tiêu, điều; thì nay lại được nhắc đến nhiều với sầu riêng, “giành ngôi”của miền Tây Nam Bộ. Tại Đắk Lắk, một lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết toàn tỉnh đã có hơn 28,6 ngàn ha sầu riêng. Trong số này có gần 3 ngàn ha trồng mới, gần 16 ngàn ha đang giai đoạn kiến thiết và gần 10 ngàn ha kinh doanh. Vài năm tới, diện tích sầu riêng của tỉnh sẽ lên đến 30 ngàn ha. Đây là điều đáng lo ngại vì mức độ mở rộng quá nhanh.

Tại Lâm Đồng, mới đây, Sở NN&PTNT đã phát đi cảnh báo trước tình trạng diện tích cây sầu riêng tại tỉnh này liên tục tăng nhanh. Đến nay, diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt khoảng 19,7 ngàn ha, tăng hơn 6 ngàn ha so với năm 2021, trong đó có hơn 10,8 ngàn ha đã cho sản phẩm. Cũng cần nhắc lại, vụ sạt lở kinh hoàng tại đèo Bảo Lộc xảy ra mới đây, là vườn sầu riêng trên đỉnh đèo đã bất ngờ ụp xuống.

Dự kiến sản lượng niên vụ sầu riêng năm nay của Lâm Đồng đạt khoảng 115 ngàn tấn. Đến 2027, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có khoảng 19 ngàn ha sầu riêng đến kỳ cho thu hoạch, tương ứng sản lượng khoảng 225 ngàn tấn, tức gấp đôi so với mức hiện nay.

Còn tại miền Tây, hàng ngàn ha lúa, mít được nông dân chuyển sang trồng sầu riêng khiến Bộ NN&PTNT lo ngại nguy cơ dư cung trong thời gian tới. Đại diện Cục Trồng trọt nhận định việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu; dư thừa, dội chợ.

Nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như nhiễm mặn, phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng uy tín sản phẩm của hàng Việt nói chung. Đầu năm 2023, Cục Trồng trọt đã gửi thông báo tới các địa phương để cảnh báo về việc phát triển “nóng” cây sầu riêng.

Bộ NN&PTNT đánh giá việc kinh doanh sản xuất sầu riêng vẫn còn nhiều “nút thắt”. Như việc chưa liên kết tốt giữa nhà vườn, thương lái và DN sản xuất; nguồn nhân lực chuẩn, thương hiệu chưa mạnh; hạ tầng chế biến chưa đáp ứng; có tình trạng cạnh tranh, “chơi xấu” trong thu mua. Do đó, nếu mở rộng diện tích quá nhanh, rủi ro sẽ rất lớn. Cũng nên nhớ, sầu riêng chỉ là thứ “ăn chơi” chứ chẳng ai có thể ăn thay cơm ngày này qua ngày khác, dù đó là người có “nghiền” sầu riêng đến mấy.

Để kiểm soát được chất lượng, thương hiệu sầu riêng và ổn định đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng rớt giá, người dân và DN có lẽ đã đến lúc cần phải nhìn lại những bài học “tiêu, điều” trong quá khứ; không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự ý chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng.

Đọc thêm