“Không cần chùa to, Phật lớn mà cần tấm lòng nhân ái!”

(PLVN) - “Phật tại tâm - các “đại gia” cần phát tâm đối với người nghèo, chung tay cùng Nhà nước xây trường học, bệnh viện, nhà chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, người già không nơi nương tựa, các cây cầu qua sông, qua suối cho trẻ đến trường. Có lẽ, đó là những thứ dân cần hơn một tháp Phật hay tượng Phật to nhất thế giới” - nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ.
Một trong những khu du lịch tâm linh hàng chục ngàn tỷ với hàng loạt kỷ lục thế giới của Việt Nam

Ồ ạt xây dựng chùa hoành tráng, Phật khổng lồ, tháp to kỷ lục thế giới

Cách đây hơn 10 năm, “siêu dự án” tâm linh Tràng An - Bái Đính chính thức được khởi động. Bái Đính cổ tự trước kia được doanh nghiệp X.T đầu tư 15.000 tỷ đồng và xây dựng thành một ngôi chùa lớn hàng đầu châu Á với 9 kỷ lục lớn nhỏ về khuôn viên, tượng phật, bảo tháp, giếng ngọc hay số lượng tượng la hán.

Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam) với chức năng văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí cũng được doanh nghiệp X.T đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Khu du lịch Tam Chúc gồm các hạng mục như: Khu lòng hồ; Khu văn hóa tâm linh; Khu nghỉ dưỡng; sân golf 36 lỗ…

Trong đó, mặt bằng xây dựng chùa Ba Sao rộng 44 ha bao gồm các hạng mục: Điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan kết hợp các tòa tháp. Dự án này có pho tượng Phật khổng lồ nặng tới 200 tấn là pho tượng bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Tam Chúc - Ba Sao khi hoàn thành có hàng trăm chùa tháp với hàng ngàn bức tượng Phật…

Dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp, Hải Phòng (Khu du lịch đảo Cái Tráp) cũng đang được xây dựng trên tổng diện tích đất hơn 450ha dự kiến đầu tư 9.800 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là khu tâm linh với diện tích 88,7ha với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 150m và khu dịch vụ đón tiếp 108ha cho khu dịch vụ với khách sạn 5 sao và đặc biệt là có cả casino... Khi bức tượng hoàn thành sẽ tạo ra kỷ lục thế giới, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Thái Nguyên được động thổ vào ngày đầu năm 2016 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng cũng vẫn “ông trùm” X.T “phủ sóng”. Dự kiến phân khu chức năng chính siêu dự án này gồm Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền, khu làng văn hóa các dân tộc.

Đặc biệt, tại siêu dự án Hồ Núi Cốc sẽ xây dựng Tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5.000 - 10.000 người trong cùng một thời điểm.

Khu du lịch tâm linh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) hiện có 3-4 doanh nghiệp tư nhân đưa ra đề án, trong đó dĩ nhiên không thể thiếu “ông trùm” X.T. Theo đề xuất của X.T, doanh nghiệp này sẽ xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn quy mô khoảng 1.000ha, tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng.

Dự án gồm các hạng mục: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km; khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp tầm cỡ quốc tế cao 100m để thờ xá lợi Phật; xây hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng…

Thế nhưng, siêu dự án ấy đang bị “vướng” bởi dẫn chiếu tới Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì hiện Thủ tướng không có chủ trương quy hoạch địa bàn nêu trên thành khu du lịch tâm linh. Đó là chưa kể phạm vi dự án 1.500ha DN này đề xuất còn có thể chồng lấn vào một số dự án khác đang triển khai, luật cũng không cho phép đầu tư chồng chéo như vậy.

Mải xây chùa kỷ lục mà quên đi gốc của Đạo, quên người dân vẫn nghèo khổ

Việc Việt Nam có Tháp Phật lớn nhất thế giới, chùa to nhất thế giới, tượng Phật to nhất thế giới khiến không ít người đưa ra ý kiến quan ngại. Phật tử Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, có thể thấy, nhiều tỉnh, thành đua nhau xây dựng khu du lịch tâm linh với những bức tượng Phật to nhất thế giới, tháp cao nhất thế giới…

Rất tiếc chùa to, Phật lớn như vậy nhưng rất hiếm khi giảng pháp, tổ chức khóa tu mà đơn giản chỉ là nơi thu hút khách du lịch. Đáng buồn, khách hành hương đến đó cũng không phải để học Phật pháp mà để tham quan, du lịch để thỏa trí tò mò, hiếu kỳ, xem những kỷ lục kia ra sao. Trong hàng triệu người nghe giảng, bao nhiêu người hiểu được lời Phật dạy để rồi trở thành một phật tử thuần thành, hay đi lễ về vẫn đầy tham sân si. 

Mô hình chùa Tháp được xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên sẽ là một Tháp Phật giáo lớn nhất thế giới

Chúng ta đang say mê với các kỷ lục Phật giáo, lo trùng tu xây mới chùa to, Phật lớn, chúng ta mới chỉ đang chú trọng tô vẽ cái phần xác mà quên đi bồi đắp cái hồn. Gốc của đạo là truyền bá chính pháp và hướng dẫn mọi người hành trì theo lời Phật. Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, ngôi chùa là nơi truyền bá chính pháp.

Nhưng nhiều chùa hiện nay chỉ chú trọng vào việc cúng lễ hơn là giảng đạo và tổ chức khóa tu. Nào là hộ niệm, cầu siêu, cúng tuần, dâng sao giải hạn, giải oan... vô hình trung biến đạo Phật thành đạo cầu cúng và đạo của người chết. Nhiều sư trụ trì đóng vai trò là thầy cúng, người thủ nhang, người quản tiền công đức là chính. Trong khi nhiệm vụ chính của sư trụ trì như một người lái đò, thả thuyền từ bi để cứu vớt người trầm luân.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) - chuyên gia nghiên cứu Phật giáo phân tích, từ mộ đạo dẫn đến mê tín là khoảng cách rất gần. Niềm tin tôn giáo là tốt, nhưng tin mù quáng thì sẽ dẫn đến những thực hành, hành động không chuẩn xác. Trong lịch sử Việt Nam chưa có chuyện các nhà tài phiệt về kinh tế hay các quan chức, doanh nghiệp chủ động đứng ra xây chùa như hiện nay.

Một không gian làng xã mà có một ngôi chùa to quá thì nguồn thu lớn, chính quyền có kiểm soát được không? Ở góc độ kinh tế thì xây chùa càng to thì càng có nhiều người đến, càng thu được nhiều tiền.

Một bên là nguồn thu tập trung cho các tập đoàn, doanh nghiệp… trong các dự án tâm linh và một bên là nguồn thu lan tỏa trong nhân dân, từng làng, từng xã. Niềm tin không thể kiểm soát, kinh tế cũng không thể kiểm soát. Chùa chiền thì không có cơ chế quản lý về kinh tế, không bị kiểm toán. Vậy tiền thu được hàng năm có công khai, minh bạch hay không? 

Ví dụ, mỗi cái xe khi gửi thì thu phí là 5-10 nghìn. Một tháng, một năm khu Bái Đính thu được bao nhiêu ai biết? Tiền ấy thu về là dành cho doanh nghiệp, cho dân hay cho Nhà nước? Rồi tiền công đức có công khai, minh bạch không? Nếu là tiền thu về cho doanh nghiệp thì cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán có biết không? Đấy là những điều nhất định phải quan tâm.

Ví như, đi kèm với các hạng mục thờ cúng, X.T cũng xây kèm hàng loạt nhà hàng, khách sạn để kinh doanh. Chỉ đơn cử, năm 2018, Sở Du lịch Ninh Bình cho biết Tràng An đón khoảng 7 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Với giá vé khoảng 200.000 đồng/lượt cho người lớn và 100.000 đồng/trẻ em (đã bao gồm chi phí đi thuyền), tính sơ qua, doanh thu từ bán vé có thể đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tại Bái Đính, ngôi chùa được vận hành tham quan miễn phí.

Thế nhưng, với lượng khách có lúc lên đến 220.000 lượt/ngày thì những phí dịch vụ kèm theo như: Trông giữ xe, vận chuyển bằng xe điện, thu từ cho thuê các ki ốt dịch vụ, hay phụ thu theo yêu cầu thêm của khách cũng đem lại một khoản khổng lồ cho doanh nghiệp khai thác.

Trả lời báo giới, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM cho rằng: “Việt Nam còn nghèo. Tôi có cảm tưởng công trình càng khoe  độ hoành tráng, đạt nhiều kỷ lục bao nhiêu càng làm lộ ra sự nghèo khó của người dân bấy nhiêu. Bây giờ, nhiều người chỉ chạy đua xây dựng chùa chiền, đền đài... hoành tráng mà thiếu lo lắng đối với sự nghèo khổ, tụt hậu của đất nước.

Cho nên, tôi không đồng tình với chuyện chạy theo các công trình bề thế, hoành tráng”. Là một quốc gia nhỏ, đang phát triển nhưng Việt Nam lại có rất nhiều công trình tâm linh “nhất khu vực”, rồi lại “nhất thế giới”. Nhiều người đặt câu hỏi liệu những cái “nhất” đó có đem lại sự phát triển bền vững cho quốc gia hay không?”.  

Thực tế, ở Việt Nam có không ít nơi chưa có trạm y tế khám bệnh, thiếu trường học cho trẻ em. Vẫn còn đó những cây cầu mà mỗi khi đi qua là chấp nhận đánh đu với tử thần. Những con đường quanh năm lầy lội.

Những trẻ em dân tộc thiếu cơm, thiếu áo trong mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Còn biết bao những mảnh đời bất hạnh do bệnh tật không có thuốc chữa đành nằm chờ chết. Những người già cô thế cô thân không nơi nương tựa. 

Ông Trần Khánh Dư - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ điềm đạm: “Tôi còn nhớ một vị sư nổi tiếng ở Tây Tạng đã nói: “Tôn giáo của tôi rất đơn giản, không cần chùa to, Phật lớn mà cần tấm lòng nhân ái!”.

Đọc thêm