Không cần đợi 18 năm mới thấy hệ lụy của mức sinh thấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ cần một, hai năm, hệ lụy của mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế đã dẫn đến những hệ quả xã hội, liên quan đến phát triển kinh tế, việc làm, giáo dục, y tế...
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thảo luận tại Tổ về kinh tế xã hội sáng 23/5, các Đại biểu Quốc hội đề cập đến mức sinh thấp và già hóa dân số, Việt Nam đang đối diện với cảnh chưa giàu đã già do xu hướng người trẻ ngại sinh, sinh ít hoặc không sinh còn ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn, nơi có trình độ phát triển cao và thu nhập bình quân/ người cao hơn. Đáng chú ý, có đại biểu quốc hội cho rằng "Phải đến 18 năm sau mới thấy các hiệu quả do một đứa trẻ hôm nay, 18 năm sau mới trưởng thành và là nguồn nhân lực cho đất nước ”. Ý kiến này không sai, nhưng chưa chính xác và không đầy đủ.

Không phải đợi 18 năm sau, chỉ khoảng 15 năm sau, khi đứa trẻ sinh ra năm nay bước vào tuổi thành niên, nếu không còn đến trường có thể gia nhập lực lượng lao động. Theo quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được phép sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm những công việc như biểu diễn nghệ thuật, tham gia biểu diễn thể dục, thể thao nhưng những hoạt động đó không được làm ảnh hưởng, làm tổn hại đến sự phát triển về mọi mặt của người lao động ở độ tuổi này.

Nhưng chỉ cần một, hai năm, hệ lụy của mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế đã dẫn đến những hệ quả xã hội, liên quan đến phát triển kinh tế, việc làm, giáo dục, y tế... Điều này thể hiện ở mấy điểm sau đây:

Thứ nhất, mức sinh thấp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong sản xuất và tiêu dùng ở một số ngành nghề. Do ít trẻ em được sinh ra, nhu cầu tiêu thụ về sữa trẻ em cũng giảm, các ngành may mặc, đồ chơi, thực phẩm... dành cho trẻ em cũng vì thế mà giảm qui mô sản xuất vì số lượng tiêu thụ giảm. Liên quan đến điều này, các hoạt động dịch vụ dành cho trẻ em cũng gặp khó khăn.

Thứ hai, số lượng trẻ em sinh ra ít do mức sinh thấp, sẽ dẫn đến giảm bớt các trường Mẫu giáo, và sau đó là các trường tiểu học, THCS... vì lượng học sinh giảm nhưng cơ sở giáo dục, trường lớp không giảm. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đối diện với tình trạng tỷ lệ sinh giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động của các trường mầm non. Đơn cử, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2022, quốc gia này có 289.200 trường mầm non, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước đó, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong một thập kỷ. Số trẻ em đăng ký học mầm non là 46,3 triệu, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2021. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), số liệu khảo sát cho thấy gần 90% các trường mẫu giáo dự kiến số lượng tuyển sinh sẽ tiếp tục giảm trong năm học tới. Chỉ 5% dự kiến được phục hồi vì các trường này nằm trong khu vực dân cư mới. Khoảng 72% trường mẫu giáo cho biết lý do chính khiến số lượng học sinh ít hơn là do tỷ lệ sinh trong khu vực thấp, dẫn đến tỷ lệ nhập học giảm. Còn theo Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc, số học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở nước này sẽ giảm từ 5,2 triệu em trong năm nay xuống còn 4,25 triệu em vào năm 2029 do tỷ lệ sinh giảm mạnh.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đạt mức thấp kỷ lục là 0,78 vào năm 2023 và Cục Thống kê Hàn Quốc ước tính con số này sẽ giảm xuống còn 0,65 trong năm 2025. Riêng tại Seoul, học sinh thủ đô chỉ còn 900.000 em vào năm 2021, trong khi năm 2017 là 1,03 triệu. Từ năm 2021, có 3 trường tiểu học tại Seoul đã đóng cửa. Các chuyên gia cho rằng, việc đóng cửa trường học là điều không thể tránh trong bối cảnh dân số tiếp tục giảm. Do mức sinh giảm, thiếu học sinh nên tại Hàn Quốc từ năm 1982 đến năm 2016, 3.725 trường học trên đất nước Hàn Quốc đã đóng cửa do thiếu học sinh. Theo hãng tin Yonhap, con số này cho thấy, trung bình 113 trường đóng cửa hàng năm.Theo nhật báo Korea Herald, 62,7% tài sản của các trường học bị đóng cửa đã được bán cho các nhà phát triển bất động sản và có khoảng 1.350 trường học bị bỏ hoang, không ai sử dụng.

Thứ ba, lĩnh vực chăm sóc y tế liên quan đến bệnh Nhi xem ra cũng sẽ giảm áp lực vì số bệnh nhi không nhiều. Các sản phẩm y–dược liên quan đến trẻ em cũng vì thế mà hạn chế mức tiêu thụ.

Thứ tư, vì các lý do trên, dẫn đến giảm số lượng lao động làm việc ở các lĩnh vực sản xuất, giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), hơn 50% trường mẫu giáo tham gia khảo sát cho biết, có kế hoạch sa thải giáo viên, trung bình mỗi trường sẽ giảm từ 2 đến 3 giáo viên. Hơn 40% nói rằng sẽ không tăng lương cho giáo viên và gần 20% sẽ cắt giảm lương. Xét về triển vọng tuyển sinh cho năm học 2023-2024, chỉ 5% trường sẽ không cân nhắc việc sa thải giáo viên, "đóng băng" hoặc cắt giảm tiền lương.

Tuy nhiên, bên cạnh những hệ lụy kinh tế- xã hội thì mức sinh giảm thấp cũng có những tác động tích cực. Việc giảm dân số do mức sinh thấp có thể tạo cơ sở cho những đột phá trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Vòng xoáy giảm số lượng học sinh giáo dục bắt buộc trong tương lai hàm ý rằng nếu tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục công trên GDP vẫn giữ nguyên thì sẽ có sự cải thiện đáng kể về khả năng cung cấp nguồn lực giáo dục. Điều này cũng tương tự đối với ngành y tế, nguồn tăng trưởng kinh tế quan trọng là “lợi nhuận sức khỏe dân số”, bao gồm lực lượng lao động và sức khỏe người già. Cuối cùng, tăng trưởng dân số thấp ảnh hưởng đến những kỳ vọng xung quanh tiết kiệm gia đình và thị trường vốn theo cách hứa hẹn nhu cầu ổn định hơn trên thị trường vốn. Quá trình chuyển đổi này cũng gợi ý những con đường đầu tư mới cho các ngành như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ chăm sóc người già, nhà thông minh và du lịch sinh thái...

Dân số giảm ở mức độ vừa phải mang sẽ lại lợi ích tiềm năng cho sự phát triển kinh tế lâu dài. Quá trình này có thể nâng cao mức độ nguồn lực bình quân đầu người và giảm thiểu vấn đề khan hiếm tài nguyên. Ngoài ra, giảm dân số có thể kích thích tăng trưởng GDP bình quân đầu người, giảm bớt sự bão hòa trên thị trường lao động và thúc đẩy tăng năng suất lao động. Hơn nữa, việc giảm dân số cho thấy sự gia tăng liên quan đến việc phân bổ nguồn lực bình quân đầu người, tạo cơ hội để nâng cao hơn nữa chất lượng dân số, nâng cao năng suất lao động.

Mặc dù có những yếu tố tích cực trên đây, nhưng nhìn chung tỷ lệ tăng trưởng dân số thấp ở một số quốc gia dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ dân số già và sự sụt giảm tương ứng ở dân số trong độ tuổi lao động và dân số trẻ. Sự sụt giảm dân số đáng kể này trong tương lai có thể làm đảo lộn sự cân bằng trong cấu trúc dân số giữa người già và dân số trẻ, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Mức sinh thấp cũng góp phần vào quá trình đẩy nhanh xã hội già hóa dân số, thiếu lực lượng lao động, tăng thêm tỷ lệ người phụ thuộc, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam có 21 tỉnh/thành phố có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế. Hai khu vực báo động là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Nếu không có những điều chỉnh chính sách, những giải pháp kịp thời để đưa mức sinh tăng trở lại đạt mức sinh thay thế, tương lai dân số Việt Nam giảm dần, điều này sẽ làm chậm quá trình phát triển của kinh tế-xã hội của đất nước.

Đọc thêm