Không chỉ ngừng phát sóng, “Những kẻ lắm lời” dễ bị phạt?

(PLO) - Nhiều ý kiến cho rằng việc bêu riếu, xúc phạm các ngôi sao, nhân vật lịch sử, ngôn ngữ dung tục, rẻ tiền…, show “Những kẻ lắm lời” có thể bị xử lý theo quy định pháp luật?.
Không chỉ ngừng phát sóng, “Những kẻ lắm lời” dễ bị phạt?
Độc đáo hay độc hại?
Cho đến lúc này, tranh cãi quanh show “Những kẻ lắm lời – Biches in Tow” (xuất phát từ phiên bản cùng tên ở nước ngoài) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt khi hôm qua (25/11), Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản gửi Công ty TNHH Monday Morning, yêu cầu tạm ngừng chương trình “Những kẻ lắm lời” (Bitches in Town), đồng thời gỡ bỏ các tập có nội dung phản cảm đang phát trên YouTube. 
Động thái này từ cơ quan quản lý đã giải toả được thắc mắc của dư luận thời gian qua: là một talk show không “chính danh”, nghĩa là không xin cấp phép, không được phát sóng trên các kênh truyền hình, chỉ đăng tải trên Youtube thì những biểu hiện “quá quắt” như thế liệu cơ quan quản lý có để mắt đến hay không?.
Thực ra, chính việc không phát sóng, không phải xin phép lại trở thành một ưu thế bước đầu của “Những kẻ lắm lời” vì chi phí thấp, không bị ràng buộc nhiều và khá thoải mái trong thể hiện, sáng tạo. Ban đầu, chương trình được khá nhiều khán giả ủng hộ, thậm chí nhiều người trong giới nghệ thuật còn tỏ ý khen ngợi. Cuộc trò chuyện giữa ba người dẫn chương trình: MC Thuỳ Minh, stylist Lê Minh Ngọc và nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch xoay quanh đủ chuyện trên trời, dưới đất về các nghệ sĩ, từ chuyện nghề đến chuyện riêng. Thông tin đưa ra mổ xẻ cũng đủ nguồn: từ chính thống đến nghe đồn, đọc đâu đó trên mạng xã hội… 
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đây chỉ là một talk show tầm phào, giải trí như thế. Nhưng những người làm chương trình, có lẽ với quan niệm “không bị kiểm duyệt” đã bắt đầu đi quá xa. 
Ban đầu là nhận xét, bêu xấu các nghệ sĩ, rồi những nhận định “như đúng rồi” về chuyện riêng của ca sĩ Hồ Ngọc Hà với vụ lùm xùm với đại gia kim cương. Tiếp theo là cuộc tranh cãi giữa MC hải ngoại Nguyễn Cao Kỳ Duyên và ca sĩ Mỹ Tâm với phát ngôn của MC Thuỳ Minh: “Tâm thiếu chút duyên và Duyên thiếu chút tâm”, chê Kỳ Duyên “hèn hèn” thì không chỉ fan của các nghệ sĩ mà các nghệ sĩ không có tên trong chương trình và cả công chúng bắt đầu nổi giận. Nghiêm trọng hơn, ba người dẫn chương trình đã dùng những lời lẽ bỡn cợt để nói về các danh nhân lịch sử như: chồng Hai Bà Trưng là… ông Trưng hoặc Bùi Viện là một ông vua của hàng bia.
Cho dù được cấp phép hay không, có phải chương trình lên sóng hay không, một khi đã có tính chất cộng đồng thì thật khó mà chấp nhận những lời lẽ có phần kém văn hoá từ những người có chút tên tuổi, có ảnh hưởng ít nhiều đến công chúng như vậy. Một số nghệ sĩ đã tuyên bố có thể sẽ khởi kiện chương trình vì đã xúc phạm đến danh dự của họ.
Phạt được?
Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác mà phần đông những người phẫn nộ với “Những kẻ lắm lời” chưa nói đến, đó là có hay chăng việc chương trình này đã sử dụng tên tuổi nghệ sĩ để kinh doanh, trục lợi. Với sự xuất hiện của các đoạn quảng cáo các sản phẩm, thương hiệu, khó có thể nói đây là một chương trình giải trí “cho vui” đơn thuần. 
Mặc dù Thuỳ Minh đã phân bua, khoản tài trợ chỉ đủ “bù lỗ” thì vẫn phải nhìn nhận đây là một chương trình có mục đích kinh doanh. Như thế, việc sử dụng tên tuổi, đời tư của nghệ sĩ một cách thô thiển nhằm gây sốc, thu hút lượt xem để tăng hiệu quả kinh doanh, phải chăng là một hình thức kinh doanh tên tuổi người nổi tiếng một cách trái phép?.
Những khía cạnh này được Luật sư Huỳnh Phước Hiệp - Đoàn Luật sư TP HCM phân tích rằng, có lẽ hầu hết khán giả khi xem chương trình này đều thấy phản cảm. Những thông tin trong chương trình, tạm chưa bàn về tính đúng sai, nhưng việc xúc phạm, bôi xấu người khác thì khá rõ. Nếu việc sử dụng này không được phép của nhân vật thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. 
Theo luật, nếu quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: tự mình cải chính; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại (Điều 25 Bộ luật Dân sự). Nếu những thông tin mà chương trình đề cập là không đúng sự thật, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì người đó có quyền làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra để yêu cầu khởi tố tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện chương trình không được cấp phép và có yếu tố kinh doanh với mức pháp luật quy định thì có thể bị khởi tố tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 Bộ luật Hình sự, Luật sư Hiệp cho biết.