Không chia nhỏ gói thầu, dễ nắm 'ông' đứng đầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Không chia nhỏ gói thầu có nghĩa là đầu mối trong quản lý dự án giữa chủ đầu tư với nhà thầu xây lắp ít đi và rõ ràng hơn về mặt vai trò, trách nhiệm. Giả dụ, khi triển khai dự án có phát sinh vấn đề về chất lượng, tiến độ…, chủ đầu tư dễ “túm” được “ông” đứng đầu liên danh mà chấn chính, xử lý”, ông Lê Thắng - Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (PMU2 - Bộ GTVT) trao đổi với PLVN.
Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đoạn qua miền Trung.
Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đoạn qua miền Trung.

Ngoài triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công, PMU2 là Ban khá “chắc tay” trong triển khai các dự án ODA. Vì thế, việc đầu thầu dự án qua mạng hay đấu thầu theo hình thức truyền thống đều phải tiến hành đồng thời ở Ban đúng yêu cầu về mặt pháp lý của từng dự án.

Theo đó, từ năm 2021, đối với các dự án ODA (đa phương), PMU2 đã tiến hành lựa chọn nhà thầu qua mạng với các gói thầu tư vấn và bảo hiểm. Các Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do ADB và Chính phủ Úc tài trợ và Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên do WB tài trợ cũng triển khai đúng yêu cầu của các nhà tài trợ quốc tế.

“Qua khảo sát trên thị trường xây lắp Việt Nam, các chuyên gia của ADB cho rằng, các dự án tài trợ cần đấu thầu rộng rãi qua mạng và mỗi gói thầu không quá 200 tỷ, sau này họ nâng lên là 300 tỷ”, ông Lê Thắng nói.

Được biết, ngoài các gói thầu về tư vấn, bảo hiểm quy mô nhỏ và các dự án sử dụng vốn ODA, mới đây PMU2 đã tiến hành đầu thầu một gói thầu xây lắp qua mạng thuộc Dự án đầu tư QL19, trị giá hơn 400 tỷ từ vốn đầu tư công.

Ông Lê Thắng - Giám đốc PMU2 cho hay, Ban này đang làm chủ đầu tư 2 dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Ông Lê Thắng - Giám đốc PMU2 cho hay, Ban này đang làm chủ đầu tư 2 dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Tại dự án trọng điểm quốc gia, Ban này đang là chủ đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1) đoạn Nghi Sơn - QL45, với 3 gói thầu xây lắp, trị giá hơn 5.500 tỷ; ở giai đoạn 2, Ban là chủ đầu tư đoạn Hoài Nhơn - Quảng Ngãi, với tổng đầu tư hơn 20.000 tỷ, trong đó Gói thầu XL1 vừa khởi công đầu năm 2023, trị giá gần 4.000 tỷ đồng.

“Quy mô một gói thầu xây lắp hạ tầng giao thông giờ đây có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng nên cần thiết phải có những nhà thầu đủ lực về tài chính, nhân sự, kĩ thuật tham gia và qua đó ràng buộc trách nhiệm của họ”, Giám đốc PMU2 nói và cho biết thêm, cả 2 dự án cao tốc nêu trên, số gói thầu trong mỗi dự án đều không nhiều, và đặc biệt trong các gói thầu, chủ đầu tư đều chọn được các nhà thầu đứng đầu liên danh khá mạnh, khá uy tín như Trường Sơn, Đèo Cả, Vinaconex…

“Không chia nhỏ gói thầu có nghĩa đầu mối trong quản lý dự án giữa chủ đầu tư với nhà thầu xây lắp sẽ ít đi và rõ ràng hơn về mặt vai trò, trách nhiệm. Tôi giả dụ, khi triển khai dự án có phát sinh vấn đề về chất lượng, tiến độ…, chủ đầu tư dễ “túm” được “ông” đứng đầu mà chấn chính, xử lý - dù bên cạnh ông vẫn có các nhà thầu phụ khác”, lời Giám đốc Thắng.

Cạnh điểm thuận lợi là dễ nắm, dễ quản trong quá trình quản lý, điều hành dự án như vừa nêu, theo vị đại diện PMU2, việc việc trao thầu giá trị lớn cho số ít nhà thầu cũng có thể nảy sinh yếu tố rủi ro cần đề phòng đó là “sức khỏe” của nhà thầu tham gia dự án.

“Có thể khi vào thầu năng lực “ông” rất ổn, dòng tiền “ông” rất đảm bảo. Nhưng sang năm, có tình huống bất ngờ, tài chính của “ông” yếu đi thì cũng có thể ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Do vậy, trong quá trình chấm, xét thầu chúng tôi hay xem xét, lưu ý chi tiết này”, Giám đốc PMU2 nhấn mạnh.

Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (PMU2 chủ đầu tư) trị giá 20.470 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu xây lắp. Dự án cao tốc Bùng - Vạn Ninh (PMU6 chủ đầu tư) trị giá gần 13.000 tỷ, được chia thành 3 gói thầu xây lắp; Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (PMU đường Hồ Chí Minh chủ đầu tư) gần 7.000 tỷ, chia thành 2 gói thầu xây lắp…

Trong mỗi gói thầu nêu trên chỉ có từ 2 - 3 nhà thầu tham gia và đều xác định rõ vai trò, trách nhiệm của nhà thầu đứng đầu trong liên danh xây dựng.

Đọc thêm