Không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp
Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Hoàng Thanh Tùng cho biết, Báo cáo của Chính phủ đã tích hợp, cơ bản phản ánh đầy đủ kết quả công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2024, đánh giá khá toàn diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn KNTC, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số đơn không đủ điều kiện xử lý ở các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là ở Thanh tra Chính phủ có tỷ lệ cao hơn nhiều so với địa phương, để có giải pháp xử lý, khắc phục phù hợp. Đối với TAND, VKSND và KTNN, do đặc thù nên số đơn kiến nghị, phản ánh, KNTC về hành chính thuộc trách nhiệm xử lý không nhiều. Số đơn đủ điều kiện xử lý của VKSND là 80,4%, của TAND là 46% và của KTNN là 6%.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy viên Thường vụ (UBTV) QH đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật; cơ bản thống nhất với các nhận định, đánh giá về kết quả công tác TCD, giải quyết KNTC về hành chính năm 2024, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp được nêu trong các Báo cáo. Đồng thời, đề nghị làm rõ thêm nhiều thông tin, số liệu, tình hình kỷ luật, kỷ cương và tổng hợp trong Báo cáo trình QH.
Bên cạnh đó, các thành viên UBTVQH nhận thấy, tình trạng các cơ quan hành chính nhà nước chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với đơn thư của công dân do các cơ quan QH chuyển đến là vấn đề tồn tại đã được các cơ quan của QH chỉ ra trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm vụ giải quyết và thông báo kịp thời kết quả giải quyết.
Dự báo tình hình năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có thể phát sinh nhiều KNTC về hành chính liên quan đến đất đai, môi trường, công tác nhân sự..., các thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tính khả thi, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng KNTC phức tạp.
Rà soát hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực
Đánh giá công tác TCD, xử lý đơn thư, KNTC đã đạt kết quả quan trọng, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn ghi nhận, điểm nổi bật là trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngày càng đi vào nền nếp, bài bản, thực hiện các kiến nghị của QH, UBTVQH, của Chính phủ xử lý giải quyết đơn thư, KNTC do các cơ quan của QH, Đoàn Đại biểu QH, đại biểu QH chuyển đến có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ, có tiếng nói rất mạnh.
Lưu ý không chủ quan khi giải quyết các vấn đề tranh chấp đất đai, các vấn đề liên quan đến Luật Đất đai và các Luật khác có hiệu lực từ ngày 1/8, Chủ tịch QH đề nghị thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm, chủ động, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai tổ chức thực hiện, quan trọng nhất là giám sát, kiểm tra các ngành, lĩnh vực có tình hình khiếu kiện phức tạp và các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Ở địa phương, chỉ đạo UBND các cấp chịu trách nhiệm giải quyết việc khiếu kiện trên địa bàn, thấu tình, đạt lý, trên cơ sở “phải - trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”. Chủ tịch QH cũng cho rằng, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Nhân dân, cộng đồng chịu trách nhiệm trong việc tuyên truyền, xử lý hòa giải ở địa phương để tăng cường xử lý các vụ việc nổi cộm ở địa phương thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để gần dân, sát dân, hiểu dân và xử lý công việc của dân.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định lưu ý cần đánh giá, làm rõ thêm đặc điểm, tình hình công tác TCD, giải quyết KNTC năm 2024, xác định rõ nguyên nhân của tỷ lệ tăng, giảm số lượt, số người, số vụ và số đoàn đông người đến cơ quan hành chính nhà nước, KNTC, kiến nghị, phản ánh, nhất là việc gia tăng số lượng các đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, cần phân loại, làm rõ những vụ việc KNTC mới phát sinh, những việc tồn đọng từ những năm trước, thực trạng KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về TCD, giải quyết KNTC, bảo đảm kết nối liên thông từ Trung ương đến cơ sở và các cơ quan Trung ương trong cả hệ thống chính trị để theo dõi, xử lý kết quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác TCD, giải quyết KNTC.
Với tỷ lệ các vụ việc KNTC tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023, Chủ tịch QH đề nghị, cần quan tâm rà soát hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực còn chậm; việc trực tiếp TCD của Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo đủ số ngày theo quy định; công tác giải quyết các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền năm nay đạt 84,4%, thấp hơn so với năm 2023.