Không đặc xá với đối tượng bị kết án tử hình

(PLO) - Trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) tại Quốc hội sáng nay (7/11), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người bị kết án tử hình.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

3 thời điểm đặc xá

Theo báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, về thời điểm đặc xá được quy định tại Điều 5 dự thảo Luật, nhiều ý kiến nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. 

Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2/9, ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4.

Có ý kiến đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước.

UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả 3 thời điểm nêu trên  và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá.

Về ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật “sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào”, UBTVQH nhận thấy, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật có thể sẽ không bao quát hết. 

Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ 3 thời điểm đặc xá như Luật hiện hành; không quy định thời điểm, tần suất đặc xá và không liệt kê cụ thể các sự kiện trọng đại của đất nước, mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Thêm nhiều đối tượng có thể được đặc xá

Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước được quy định ở Điều 11 dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, chỉ quy định 02 loại đối tượng được đề nghị đặc xá gồm: người bị kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù và người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù. 

Quy định này chưa thật sự công bằng đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vì theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) thì người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là người đang chấp hành án nhưng vì các lý do như: sức khỏe, mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi... nên được tạm đình chỉ chấp hành.

Do vậy, nếu họ có đủ điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt và các điều kiện khác để xét đặc xá mà lại không thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá là chưa phù hợp. 

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, ngoài 2 loại đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo Luật thì bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).

Một số ý kiến đề nghị không đặc xá với những đối tượng phạm vào các tội mà Bộ luật hình sự quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy, nhằm tạo động lực và khuyến khích người chấp hành án phạt tù phấn đấu cải tạo tốt, Luật Đặc xá hiện hành quy định người bị kết án về bất kỳ tội phạm nào nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định thì đều được đề nghị xét đặc xá, mà không quy định loại trừ các tội danh cụ thể. 

Để bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, đồng thời tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: đối với một số tội mà Bộ Luật hình sự quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì vẫn cho phép đặc xá nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án để xét đặc xá phải dài hơn so với các tội phạm khác (cụ thể, phải chấp hành ít nhất 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn). 

Đồng thời, đối với những trường hợp này, Chủ tịch nước có quyền quyết định không đặc xá trong từng đợt đặc xá cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước đặt ra trong từng thời kỳ. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như dự thảo Luật đã được chỉnh lý.

Với đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người được hoãn chấp hành hình phạt phạt tù, người đang thi hành án treo, UBTVQH nhận thấy, theo quy định của BLHS thì người được hoãn chấp hành hình phạt tù là người chưa thi hành án; người đang chấp hành án treo thực chất là được miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. 

Như vậy, những đối tượng này đều đang ở ngoài xã hội, chưa phải vào trại giam để chấp hành án phạt tù. Nếu quy định người được hoãn chấp hành hình phạt tù thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá sẽ không đáp ứng các điều kiện về thời gian đã chấp hành án, về ý thức cải tạo... và không bảo đảm công bằng với các đối tượng khác được xét đặc xá nhân sự kiện trọng đại, nhân ngày lễ lớn của đất nước. 

Bên cạnh đó, với người đang chấp hành án treo thì BLHS đã có quy định giao Tòa án quyết định rút ngắn thời gian thử thách ngoài xã hội đối với họ nếu đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ. 

Vì vậy, UBTVQH đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người được hoãn chấp hành hình phạt tù và người đang thi hành án treo nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

Trước các ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đặc xá với một số đối tượng đặc biệt như quy định tại khoản 2 Điều 11 của dự thảo Luật, UBTVQH nhận thấy, những đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật của Chính phủ trình chỉ bao gồm: người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người đủ 70 tuổi trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác. 

Nếu quy định chỉ áp dụng đặc xá với những đối tượng này là thu hẹp cơ bản đối tượng đặc xá so với Luật hiện hành, dẫn tới thiếu công bằng với những trường hợp khác đang chấp hành án phạt tù và làm mất đi động lực để họ phấn đấu, cải tạo tốt, đồng thời cũng không phù hợp với chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta từ nhiều năm qua. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về đối tượng đặc xá như dự thảo Luật đã chỉnh lý.

Không đặc xá với đối tượng bị kết án tử hình

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được đặc xá gồm cả người bị kết án tử hình mà sau đó đã được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân.

Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, chỉ quy định 2 loại đối tượng được đề nghị đặc xá gồm: người bị kết án phạt tù có thời hạn và người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. 

Việc không quy định đặc xá với người bị kết án tử hình vì theo quy định của Bộ Luật hình sự thì đây là đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác. 

Sau khi bị kết án tử hình, thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, Chủ tịch nước đã quyết định ân giảm án tử hình cho họ và chuyển xuống hình phạt tù chung thân. Theo quy định tại Điều 63 và Điều 64 Bộ Luật hình sự, nếu cải tạo tốt, người này tiếp tục nhận được các chính sách khoan hồng khác như được giảm xuống tù có thời hạn, được tiếp tục giảm án và có thể chỉ phải chấp hành 20 năm tù. 

Nếu dự thảo Luật quy định đặc xá với người bị kết án tử hình thì đối tượng này được hưởng quá nhiều chính sách khoan hồng của Nhà nước và sẽ không bảo đảm tính răn đe với đối tượng nguy hiểm này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người bị kết án tử hình.

Cho ý kiến về dự thảo luật bên lề Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, trong Luật đặc xá, việc quy định tha tù trước thời hạn là rất quan trọng, giúp người chấp hành hình phạt phấn đấu để cải tạo tốt, sửa chữa lỗi lầm của mình để trở thành người có ích cho xã hội. 

Tuy nhiên, Luật cần quy định rõ điều kiện được đặc xá, chế tài đối với người được đặc xá. Luật cũng cần bổ sung trách nhiệm của đơn vị thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát những người được đặc xá, tuyên truyền pháp luật để người được tha tù trước thời hạn làm tốt hơn nghĩa vụ công dân. Đặc biệt, cần tạo công ăn việc làm để người được ân xá cải thiện cuộc sống, sinh hoạt và trở thành công dân tốt.

Đọc thêm