Chỉ vì trái mít non
Uất ức vì bị cả làng xử phạt, Rah Lan Mõ (SN 1991, ngụ thôn Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nhẫn tâm ném đứa trẻ mới 7 tuổi xuống giếng “xả giận”.
Nguyên nhân sâu xa của vụ việc được cho rằng từ năm 1998. Khi đó, ttrong lúc đùa giỡn, anh rể của thủ phạm dùng trái mít non ném mù mắt ông Rah Lan É (SN 1971) nên bị cả làng Hố Lang xử phạt, phải đền bù một đám ruộng. Không có gạo ăn, người “nghịch dại” còn bị người nhà mắng nhiếc, trách móc. Buồn chán, mấy năm sau, người đàn ông này đã uống thuốc sâu tự vẫn.
Khi Mõ lớn lên, hoàn cảnh khốn khó, hay lấy cắp đồ của gia đình ông É. Phát hiện ra sự việc, ông É tiếp tục báo lên trưởng làng nhờ giải quyết. Mõ bị cả làng phạt 500 ngàn. Ấm ức năm xưa vẫn còn, nay thêm ấm ức mới, trai làng ít học tìm cách “xả giận”.
Thường ngày Mõ thấy cháu Rah Lan Un (SN 2006, con trai ông É) hay đi chơi một mình nên nảy sinh ý định hãm hại. Một ngày giữa năm 2012, Mõ phát hiện cháu Un đứng hái mãng cầu một mình nên chạy tới bế, ném xuống giếng.
Đến tối mịt, người cha đi làm rẫy về, không thấy con trai út đâu, đi hỏi quanh thôn mà không thấy. Mãi nhiều ngày sau, xác đứa bé mới nổi lên trong giếng. Khám nghiệm hiện trường, lập biên bản, lấy lời khai của một số nhân chứng, công an nhận định nạn nhân chết do ngạt nước, có dấu hiệu bị hãm hại.
Mấy ngày sau, Đại uý Cao Minh Nghĩa (nguyên Trưởng công an xã Chư Pơng) chạy xe vào làng Hố Lang thăm người quen thì gặp Mõ trên đường. Từng biết mặt, thấy Mõ lủi thủi đi bộ, trưởng công an có nhã ý cho quá giang. Mõ nhất quyết từ chối. Bỗng nhiên, hình ảnh thi thể bé gái dưới giếng nước đột nhiên hiện ra trước mắt anh công an xã.
Với kinh nghiệm lâu năm và sự nhạy bén trong nghề nghiệp, Đại úy Nghĩa nghi ngờ Mõ liên quan tới cái chết của cháu Un nên lập tức cho 10 công an viên thay phiên nhau theo dõi động thái của nghi phạm trong nhiều ngày liền.
Quá trình bám sát mọi động tĩnh, công an phát hiện nghi phạm hay tỏ ra lo âu. Đặc biệt, một lần nhậu chung với đám trai làng, Mõ nói với bạn bè: “Nếu tao có chuyện gì, bọn mày nhớ nói với cha mẹ tao đừng bán chiếc xe máy, để cho chị gái đi làm”. Mời Mõ tới trụ sở công an làm việc, sau ít phút quanh co, nghi phạm cúi đầu nhận tội.
“Phép vua thua lệ làng”
Đầu năm 2014, Mõ bị tòa tuyên án 17 năm tù giam. Tuy nhiên trước đó, khi biết Mõ là hung thủ sát hại cháu Un, cả làng Hố Lang đã họp dân, bắt gia đình Mõ phải đền 2 đám rẫy, 3 đám ruộng, 2 con bò, 1 con heo cùng toàn bộ chi phí mai táng, tổng cộng giá trị đến gần 400 triệu. Gia đình người có cái giếng cũng bị vạ lây, bị làng buộc phải đền cho gia đình nạn nhân 16 triệu đồng.
Điều oái oăm trong những bi kịch này là người “được phạt vạ” lại không hề muốn phạt vạ, mà bị buộc phải “nghe” theo lệ làng.
Ông É cho biết: “Tôi với anh rể Mõ là hàng xóm, chơi với nhau rất thân từ hồi nhỏ. Năm 1998, anh em tôi nhậu chung rồi đùa vui, anh ấy lỡ tay ném mù mắt tôi nên bị làng xử phạt. Lệ làng đã có từ lâu, tôi phải làm theo chứ không còn cách nào khác”.
|
Ông É: “Tôi không muốn đền nhưng làng bắt phải nghe theo”. |
Ông Huỳnh Ngọc Chương, trưởng công an xã đương nhiệm cho biết: “Hằng năm, công an xã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật cho bà con các thôn bản trên địa bàn. Tuy nhiên tục bắt tội của bà con người Gia Rai vẫn còn tồn tại. Bất cứ vụ việc nào, dù chính quyền đã can thiệp, giải quyết xong xuôi; nhưng khi về làng, người vi phạm vẫn bị làng tiếp tục bắt đền”.
Hết lần này đến lần khác con cái trong nhà mắc tội, bị làng “bắt tội”, kinh tế gia đình bà Rah Lan Chút (SN 1940, mẹ hung thủ Mõ) đã kiệt quệ. Ngồi thẫn thờ bên mái tranh nghèo, người mẹ nói: “Ngày trước nhà tôi nhiều rẫy, ruộng, lúa ngô đầy bồ. Nay bị làng phạt, mất hết, chỉ còn mảnh vườn nhỏ xíu, cơm bữa có bữa không. Con tôi không ngoan, làm hại người khác. Tôi tưởng làng phạt là xong. Ai ngờ, nó vẫn phải đi tù ”.