Không ‘đánh trống ghi tên’ các dự luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

(PLVN) - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội hết sức coi trọng công tác này, không chỉ “đánh trống ghi tên” đưa tên dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà ngay từ đầu xem xét chính sách kỹ lưỡng.
Quang cảnh Phiên họp thứ 10 sáng 14/4.
Quang cảnh Phiên họp thứ 10 sáng 14/4.

Sáng 14/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 10. Đây là phiên họp dài với nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Dự kiến chương trình Phiên họp kéo dài 7,5 ngày làm việc (từ 14/4 đến 26/4).

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung quan trong trong đó phần lớn để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/5 tới.

Về công tác lập pháp, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; cho ý kiến về 5 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3; báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian vừa qua mặc dù là giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ và đầu nhiệm kỳ nhưng công tác lập pháp triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều cải tiến, đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế.

Chủ tịch Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 10.

Chủ tịch Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 10.

Dẫn chứng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết, cấp bách nhưng cũng phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai lần mới đủ điều kiện để đưa vào Chương trình, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội hết sức coi trọng công tác này, không chỉ “đánh trống ghi tên” đưa tên dự án Luật vào Chương trình mà ngay từ đầu xem xét chính sách kỹ lưỡng. Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, chưa đủ điều kiện, chưa chín thì để lại, không đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; đồng thời lưu ý về trách nhiệm của các cơ quan đề xuất, thẩm tra nội dung đưa vào Chương trình nhưng sau đó không thực hiện được.

Về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Với tinh thần đổi mới quyết tâm nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, khách quan, khoa học bám sát thực tiễn để cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát. Nhất là kiến nghị, đề xuất cả về hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽ trong công tác quy hoạch hiện nay.

Bên cạnh đó, tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 (trong đó có báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14); báo cáo tài chính nhà nước năm 2020; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Nhấn mạnh khối lượng công việc tại Phiên họp thứ 10 là rất nhiều, thời gian chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cao nhất, tốt nhất cho các nội dung bảo đảm chất lượng trình Quốc hội.

Sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Về báo cáo này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thảo luận kỹ lưỡng, tập trung cho ý kiến đánh giá ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết; kết quả thực hiện thời gian qua nhất là kết quả xử lý nợ xấu, tổng số nợ xấu được xử lý, làm rõ thêm nợ xấu phát sinh mới, xem xét trách nhiệm các cơ quan trong thực hiện Nghị quyết. Từ đó xem xét các đề xuất kiến nghị có kéo dài hay không và kéo dài bao lâu, thủ tục xem xét quyết định.

Liên quan đến nội dung cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là nội dung được các chủ thể chịu sự tác động rất quan tâm từ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước. Đây là nội dung chưa có luật, có tính chất quan trọng, nhạy cảm, tác động đến quyền công dân. Do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng, hết sức trách nhiệm; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát các yêu cầu, căn cứ khoa học thực tiễn, bảo đảm chỉ trình khi đủ chín, đủ rõ các vấn đề.

Đọc thêm