Không để 580 Phó Chủ tịch xã nghèo phải “bơ vơ”

(PLO) - Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo (Dự án 600) được triển khai thuận lợi. Nhưng vấn đề “đầu ra” cho 580 đội viên của Dự án lại khiến nhiều “hoài bão trẻ” có nguy cơ sụp đổ khi dự án mới đi được nửa chặng đường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trao đổi về hướng giải quyết vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội Vụ - Giám đốc Dự án 600 Vũ Đăng Minh cho biết đã có hướng bố trí, sử dụng các đội viên của Dự án 600 trong thời gian tới.
Bổ sung biên chế cho địa phương để bố trí đội viên
Hiện lãnh đạo Bộ Nội vụ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về “đầu ra” cho các đội viên của Dự án 60. Đến thời điểm này, xin ông cho biết một số thông tin liên quan?
- Hiện đã có hướng bố trí, sử dụng các đội viên trong thời gian tới. Theo đề xuất của Bộ Nội vụ trình Thủ tướng, về nguyên tắc đối với các xã đang thực hiện dự án sẽ tiếp tục được bố trí 2 Phó Chủ tịch (PCT) xã, trong đó có 1 PCT xã là đội viên của dự án. Từ nay đến khi kết thúc dự án, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những đội viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì căn cứ nhu cầu, các địa phương bố trí các vị trí công tác khác cho phù hợp trình độ, phẩm chất, năng lực.
Số còn lại, sau khi kết thúc dự án tỉnh có trách nhiệm bố trí đội viên dự án vào vị trí công tác từ cấp xã đến cấp huyện, đảm bảo nguyên tắc những đội viên nào hoàn thành nhiệm vụ đều được xem xét, bố trí công tác phù hợp với phẩm chất, năng lực.
Nhưng thưa ông, theo kế hoạch về biên chế nhà nước vừa được Thủ tướng ký ban hành thì phải giữ ổn định, không tăng biên chế đến năm 2012. Vậy bổ sung một biên chế PCT cho xã loại 3 (vốn chỉ có 1 biên chế là PCT) để bố trí cho đội viên của dự án có hợp lý không?
- Việc này không ảnh hưởng biên chế địa phương vì các đội viên dự án thuộc biên chế nhà nước nhưng chưa bố trí biên chế theo Nghị định 92. Là biên chế nhà nước thì có thể điều động, luân chuyển trong hệ thống chính trị từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh, căn cứ vào nhu cầu địa phương. Vì vậy, trách nhiệm của các tỉnh là bố trí cho các đội viên theo nguyên tắc: Những em hoàn thành nhiệm vụ trở lên đều được xem xét, bố trí. 
Cụ thể là, các tỉnh sẽ phải giải quyết biên chế cho các đội viên như thế nào, nhất là những tỉnh đã sử dụng hết biên chế?
- Có 3 phương án để giải quyết “đầu ra” cho các PCT xã. Thứ nhất, những địa phương còn biên chế mà chưa sử dụng hết thì lấy biên chế đó bố trí đội viên vào. Phương án 2 là những tỉnh đã sử dụng hết biên chế còn lại thì sử dụng Nghị quyết 39 và Nghị định 08 của Chính phủ về tinh giản biên chế theo nguyên tắc “ra 2, vào 1” thì khi tuyển mới ưu tiên tuyển đội viên dự án. Phương án 3, nếu cả 2 phương án trên không thực hiện được thì Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ điều chỉnh trong tổng biên chế chung của cả nước.
Bình quân mỗi tỉnh có 15-20 người thuộc dự án, có tỉnh chỉ có 7-10 người, đông nhất là Hà Giang và Thanh Hóa. Số lượng biên chế ấy so với tổng biên chế chung của toàn tỉnh không vấn đề gì. Vì nhiều tỉnh số biên chế còn sử dụng chưa hết. Thứ hai, chúng ta thực hiện tinh giản biên chế, đây chính là cơ hội bổ sung nguồn biên chế những người đủ tiêu chuẩn quy định cán bộ công chức.
Dự án là nguồn “cung” nhân lực chất lượng cao
Trường hợp các địa phương nhất định không thực hiện bố trí biên chế cho các đội viên dự án thì Bộ Nội vụ sẽ làm gì trong phạm vi quản lý nhà nước về biên chế?
- Dự án là để tăng cường nguồn lực cho các địa phương bố trí sử dụng hiệu quả. Kết quả thực hiện Dự án của các đội viên là điều kiện tiên quyết,  quan trọng để xem xét tuyển dụng vào các vị trí công chức trong hệ thống chính trị. Nếu sau khi kết thúc dự án mà các đội viên tha thiết ở lại để tiếp tục cống hiến cho địa phương thì đây cũng chính là cơ hội để cơ sở địa phương có điều kiện tuyển chọn, bố trí, sử dụng được người đủ trình độ, phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân. Tóm lại, trách nhiệm sử dụng các đội viên của dự án là trách nhiệm chung, chứ không phải là của riêng Bộ Nội vụ.
Đến năm 2017 dự án mới kết thúc nhưng vấn đề giải quyết “đầu ra” cho dự án đã bộc lộ sự “vênh” nhau giữa Bộ và địa phương về sử dụng biên chế. Ông có thể giải thích vấn đề này?
- Thực ra đó chỉ là do nhận thức, hệ thống văn bản pháp luật chưa đầy đủ cho nên tuyến cơ sở chưa hiểu hết, còn thực tế cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai dự án rất tốt, các xã, địa phương nào hiểu và quán triệt tốt chủ trương của dự án thì ngay từ đầu đã có hướng quy hoạch, bố trí sử dụng. Riêng Sơn La có trục trặc nhưng chúng tôi đã phối hợp với Sở Nội vụ và báo cáo UBND tỉnh về những trường hợp này. Vừa qua, UBND tỉnh Sơn La chính thức có văn bản giao Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh để bố trí tất cả các đội viên dự án trở thành công chức cấp xã . 
Trân trọng cảm ơn ông! 

Đọc thêm