Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.
Ảnh minh họa.

Có hai điểm mới đáng chú ý trong dự thảo. Thứ nhất là cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc ứng dụng TMĐT đã được cấp phép.

Điểm mới thứ hai, dự thảo bãi bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi quảng cáo thuốc và giao Chính phủ quy định chi tiết yêu cầu với nội dung thông tin, quảng cáo thuốc. Sửa đổi này được cho là phù hợp với cơ chế quản lý mới theo hình thức hậu kiểm; tạo điều kiện thông thoáng, tăng tính chủ động cho DN.

Cả hai đề xuất trên đều không nhận được sự đồng thuận của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội của Quốc hội (UBXH). Với vấn đề thứ nhất, UBXH đánh giá đây là vấn đề mới, dự Luật cần xác định loại thuốc nào được kinh doanh online; hình thức kinh doanh; đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch. Đa số ý kiến Thường trực UBXH đề nghị chỉ áp dụng với thuốc không kê đơn; nghiên cứu công cụ kiểm soát mua, bán thuốc đúng đối tượng, đúng mục đích, giá cả hợp lý và bảo mật thông tin.

Với vấn đề thứ hai, UBXH đánh giá hồ sơ dự án luật chưa thể hiện được căn cứ thuyết phục để đề xuất bỏ quy định này. Thực tế hiện nay, việc quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không đúng giá trị, công dụng đang ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, tâm lý người dân. Cơ quan thẩm tra đề nghị không chuyển hoàn toàn việc quản lý thông tin thuốc, quảng cáo thuốc sang cơ chế “hậu kiểm”. Và cần nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm quảng cáo dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng sai sự thật hoặc sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Tại cuộc họp cho ý kiến dự án Luật nêu trên, lãnh đạo Quốc hội đánh giá DN dược phẩm có xu hướng mong muốn nới quy định kinh doanh thuốc trực tuyến để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân nên “cần kiểm soát rất chặt, đánh giá tác động cụ thể”. Cần làm rõ việc cấp phép kinh doanh dược phẩm online được áp dụng cho DN có chuỗi nhà thuốc hay chỉ cấp từng cơ sở đơn lẻ, quy định chi tiết tiêu chuẩn nguồn hàng hóa, xử lý vi phạm, quy trình giao thuốc, truy xuất nguồn gốc…

Ban soạn thảo và thẩm tra cần cân nhắc kỹ dựa trên lợi ích và rủi ro; đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu kinh nghiệm các nước về vấn đề này. Làm sao tìm được điểm cân bằng nhất giữa sản xuất kinh doanh, lưu thông thuận lợi với bảo đảm minh bạch, an toàn cho người mua.

Thực tế thời gian qua cho thấy, lợi dụng mặt trái của TMĐT, nhiều đối tượng đã lừa đảo, trục lợi làm tiền trên những mặt hàng được quảng cáo sai sự thật là “thuốc”, “thực phẩm chức năng”, “thực phẩm hỗ trợ sức khỏe”… Thực tế ấy cho thấy thuốc là mặt hàng đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tiền bạc của người dân; nên muốn kinh doanh qua TMĐT, phải kiểm soát chặt, chứ không thể lơ là, dễ dãi. Quan điểm của lãnh đạo Quốc hội về vấn đề này là rất đúng đắn, được dư luận ủng hộ.

Đọc thêm