Luật Dược sửa đổi đảm bảo công khai, minh bạch giá thuốc

(PLO) - Dự thảo Luật Dược sửa đang được Quốc hội nghiên cứu để thông qua trong kỳ họp tới.  PLVN đã PV ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế - về những vấn đề liên quan đến chuyện công khai, minh bạch giá thuốc được quy định trong Dự thảo luật này.
Luật Dược sửa đổi đảm bảo công khai, minh bạch giá thuốc
- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Dược sửa đổi nên cho phép các bệnh viện tự thực hiện việc mua thuốc để tránh hiện tượng tiêu cực khi dồn vào một đầu mối, ông hãy cho biết ý kiến của mình? 
Việc đấu thầu thuốc của các bệnh viện đã được quy định tại Khoản 1 Điều 93 của Dự thảo Luật. Luật Đấu thầu 2013 cũng đã bổ sung một chương riêng về đấu thầu thuốc, trong đó đã quy định đấu thầu thuốc được thực hiện theo đầy đủ các hình thức mua sắm: đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh..., đồng thời đã bổ sung thêm 02 hình thức mới đối với mua sắm thuốc: đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá cấp quốc gia với các thuốc độc quyền... ngoài các hình thức cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu và đấu thầu tập trung cấp tỉnh như hiện nay.
Do đó, việc áp dụng các hình thức đấu thầu nào là do các bệnh viện, địa phương tự quyết định nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế tại địa phương mình, đồng thời đảm bảo đủ thuốc, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị với giá hợp lý thông qua cạnh tranh trong đấu thầu, trừ các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung và đàm phán giá cấp quốc gia phải thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia.
Cho đến nay, trên cả nước đã có 55 Sở Y tế đấu thầu tập trung ở cấp tỉnh, thành phố, các tỉnh còn lại thực hiện theo hình thức đấu thầu riêng lẻ tại các cơ sở y tế hoặc giao bệnh viện đa khoa tỉnh đấu thầu và các cơ sở y tế khác áp dụng theo kết quả đấu thầu của bệnh viện đa khoa tỉnh.
Đối với đấu thầu tập trung cấp quốc gia là hình thức mới được quy định tại Luật Đấu thầu 2013. Đã có nhiều quốc gia thực hiện và hình thức này có nhiều ưu điểm so với các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu riêng lẻ như: Đảm bảo mức giá trúng thầu thống nhất trên toàn quốc, tiết kiệm chi phí, thời gian tổ chức đấu thầu cho các đơn vị; việc mua sắm tập trung với số lượng lớn sẽ có được mức giá thấp hơn. 
Hiện nay, thực hiện Luật Đấu thầu, Bộ Y tế đang nghiên cứu để triển khai thí điểm với một số mặt hàng để từng bước đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất mở rộng trên cơ sở các kết quả thực hiện thực tế.
- Theo Dự thảo Luật Dược sửa đổi thì giá thuốc sẽ được quản lý thế nào, thưa ông? 
Bộ Y tế vẫn giữ trách nhiệm chính trong việc phối hợp với bộ, ngành liên quan, nhưng trách nhiệm của các bộ, ngành được quy định cụ thể như sau:
- Bộ Tài chính sẽ ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý giá thuốc (nguyên tắc xác định trường hợp cần bình ổn giá và triển khai các biện pháp bình ổn giá thuốc);
- Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về giá thuốc; triển khai giải pháp điều hòa cung cầu và kiểm soát hàng tồn kho để bình ổn giá thuốc; tổ chức tiếp nhận, xem xét và công bố giá kê khai;
- Bộ Công Thương chịu trách nhiệm cung cấp thông tin giá thuốc tại các nước trong khu vực, trên thế giới theo đề nghị của Bộ Y tế và quản lý hoạt động cạnh tranh, chống độc quyền, chống đầu cơ lũng đoạn thị trường về giá thuốc.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý giá thuốc tại địa bàn.
Biện pháp quản lý giá thuốc được quy đinh phù hợp cho từng loại hình như:
- Kê khai giá đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và thuốc mua từ nguồn ngân sách nhà nước trước khi lưu hành trên thị trường và thực hiện bình ổn giá các thuốc này.
- Đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu đối với thuốc mua từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế nhà nước.
- Đàm phán giá đối với thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất; biệt dược, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác.
- Đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với các thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, thuốc phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và thuốc dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích;
- Ông có cho rằng Luật Dược sửa đổi sẽ có  các biện pháp để kiểm soát thuốc biệt dược gốc tránh tình trạng giá thuốc cao "ngất ngưởng",  bác sĩ kê đơn hưởng hoa hồng?
Các thuốc biệt dược gốc là các thuốc phát minh và thuộc quyền sở hữu của các công ty nghiên cứu, phát minh thuốc do đó có tính chất độc quyền trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. 
Ví dụ, như mấy ngày trước báo chí đưa tin thuốc Synacthen Depot thuốc điều trị động kinh tại Canada vừa đột ngột tăng giá từ 33.05 USD/lọ lên 680 USD/lọ, hay trước đó, Công ty dược phẩm Turing (Mỹ) đột ngột tăng giá thuốc Daraprim thường dùng cho bệnh nhân AIDS từ 13,5 USD/hộp lên tới 750 USD/hộp, tương đương 5.000%. 
Để hạn chế tình trạng này, Dự thảo Luật đã quy định việc mua sắm các thuốc biệt dược gốc phải thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu. Theo đó, đối với các thuốc biệt dược gốc, thuốc có ít nhà cung ứng trên thị trường sẽ được áp dụng hình thức đàm phán giá cấp quốc gia. Đây là phương thức mới được bổ sung tại Luật Đấu thầu 2013, phương thức này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm quản lý giá của các thuốc biệt dược, thuốc có ít nhà cung cấp trên thị trường. 
Việc đàm phán giá sẽ được thực hiện ở cấp quốc gia do Hội đồng đàm phán giá quốc gia thực hiện. Việc áp dụng cơ chế đàm phán giá sẽ đảm bảo sự thống nhất về giá của các thuốc biệt dược, đồng thời qua quá trình đàm phán sẽ đảm bảo mức giá hợp lý trên cơ sở so sánh, đánh giá với các nước trên thế giới và các chi phí liên quan.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Dược đã bổ sung thêm các giải pháp nhằm tăng sự cạnh tranh để giảm giá thuốc biệt dược: cho phép nộp hồ sơ đăng ký sớm trước khi thuốc phát minh hết hạn bản quyền tại khoản 5 Điều 7; ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thuốc đầu tư sản xuất các thuốc biệt dược gốc mới hết hạn bằng sáng chế.
Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ cho phép áp dụng biện pháp nhập khẩu song song đối với thuốc biệt dược gốc trong trường hợp có sự chênh lệch về giá tại Việt Nam so với nước khác.
Đối với ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần có các quy định để giải quyết tình trạng kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng, Ban soạn thảo đã tiếp thu và quy định rõ tại Khoản 11 Điều 6 của Dự thảo Luật về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dược trong đó có hành vi “lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi”, trên cơ sở đó sẽ có các chế tài nghiêm khắc để xử lý.
Ngoài ra, việc kê đơn thuốc còn được điều chỉnh bởi Luật Khám chữa bệnh, theo đó để kiểm soát việc kê đơn thuốc, theo Luật Khám chữa bệnh và các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật có quy định rõ việc kê đơn phải ghi theo tên generic (tên INN) để tránh hiện tượng tiêu cực giữa người kê đơn và doanh nghiệp bán thuốc nhằm hưởng hoa hồng. 
- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm