Không để Kiểm toán trở thành “ngáo ộp”

(PLO) - Cần qui định rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước như đồng phạm nếu cơ quan, đơn vị được kiểm toán bị cơ quan điều tra phát hiện có vi phạm sau khi kiểm toán” – một số Đại biểu Quốc hội kiến nghị tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) sáng qua (26/5).
Trên 10 đoàn Kiểm toán Nhà nước, thanh tra vào kiểm toán, thanh tra hoạt động nhưng phải đến khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện vi phạm
Trên 10 đoàn Kiểm toán Nhà nước, thanh tra vào kiểm toán, thanh tra hoạt động nhưng phải đến khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện vi phạm
“Quyền cao mà trách nhiệm chưa tương xứng”
Đây là vấn đề trong Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN - sửa đổi) còn khiến Đại biểu Quốc hội (ĐB) băn khoăn vì thực tế có không ít trường hợp “kiểm toán không phát hiện ra vấn đề gì, song một thời gian sau cơ quan, tổ chức được kiểm toán bị phát hiện có sai phạm, thất thoát tài sản của Nhà nước, của người dân nhưng KTNN vẫn vô can” như trường hợp của Vinalines, Vinashin, trên 10 đoàn KTNN, thanh tra vào kiểm toán, thanh tra hoạt động nhưng phải đến khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện ra các vi phạm. 
Do đó, một số ĐB đề nghị Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) phải làm rõ trách nhiệm của KTNN trong những trường hợp như vậy mới tương xứng với quyền hạn được giao. Thậm chí, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, cần qui định rõ xác định trách nhiệm của KTNN như đồng phạm nếu cơ quan, đơn vị được kiểm toán bị cơ quan điều tra phát hiện có vi phạm sau khi kiểm toán. 
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) còn đề nghị qui định rõ trách nhiệm của KTNN “trường hợp biết hoặc bắt buộc phải biết có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển cơ quan điều tra”, không thể chỉ qui định việc chuyển hồ sơ sang cơ quan thẩm quyền là quyền của KTNN như Dự thảo.
“Nếu không qui định chặt thì quyền này sẽ bị lạm dụng, biến thành “ngáo ộp” buộc các cơ quan, đơn vị được kiểm toán phải “chạy” kết quả kiểm toán” – ĐB này lưu ý.
Thời hạn kiểm toán là 60 ngày 
“Để phù hợp với thực tiễn hoạt động KTNN thời gian qua và rút ngắn thời hạn kiểm toán, Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) đã chỉnh lý, bổ sung quy định về thời hạn kiểm toán là 60 ngày” – ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết. 
ĐB Nguyễn Bá Thuyền nhất trí bởi cho rằng ”kéo dài làm khổ đối tượng được kiểm toán vì lo cho kiểm toán cũng mệt lắm”. Đề nghị phải qui định rõ trong Luật thời hạn kiểm toán từ 90-120 ngày hoặc có thể kéo dài thêm 45 ngày đối với những trường hợp phức tạp, ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) không đồng tình “giao cho Tổng KTNN quyết định thời hạn kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả có quy mô toàn quốc” như Dự thảo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chỉnh lý.
Theo UBTVQH, để góp phần bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh hiện nay và phù hợp với trách nhiệm trong kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, thông lệ quốc tế; đồng thời thực tiễn thực thi Luật KTNN trong những năm qua cho thấy quy định về nhiệm kỳ của Tổng KTNN không phát sinh vướng mắc, đã và đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nên UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 7 năm và không quá 2 nhiệm kỳ liên tục. 
ĐB Vương Đình Huệ (Bình Định) – Trưởng ban Kinh tế TƯ thống nhất qui định nhiệm kỳ của Tổng KTNN 7 năm với lý do đảm bảo tính đặc thù và độc lập của KTNN, phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước hầu hết không qui định nhiệm kỳ Tổng KTNN theo nhiệm kỳ Quốc hội: 9 năm, 15 năm, vĩnh viễn (từ khi được bầu đến khi không đủ sức khỏe/bị kỷ luật, vi phạm).
Trưởng ban Kinh tế TƯ phân tích, thời hạn quyết toán ngân sách nhà nước là 18 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc nên Tổng KTNN cần có nhiệm kỳ 7 năm để đảm bảo tính liên tục của hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, nhiều ĐB vẫn tiếp tục đề nghị quy định nhiệm kỳ Tổng KTNN là 5 năm phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội nên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH sẽ gửi phiếu xin ý kiến ĐB về qui định này trước khi chỉnh lý Dự thảo trình Quốc hội thông qua. H.A
* ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM): 
“Báo cáo kiểm toán phải là cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm hình sự”
“Đề nghị qui định “kết luận KTNN là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, xác định trách nhiệm pháp lý và các trách  nhiệm khi thấy cần thiết” để nâng cao giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán vì KTNN là cơ quan độc lập, có đủ khả năng có kết luận chính xác về lĩnh vực kiểm toán. Hơn nữa, giúp các cơ quan tố tụng không phải mất thời gian chờ giám định thiệt hại trong các vụ án kinh tế. Nhưng KTNN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình”.
* ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai): 
“Cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu”
“Xác định nhiệm vụ, quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm, nên nếu như Kiểm toán kết luận cơ quan đó không có vi phạm gì nhưng sau đó cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm là đúng; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của mình. Tôi theo dõi chung, quá trình giám sát cũng có trường hợp kiểm toán xong rồi, kết luận không có vấn đề gì nhưng khi CQĐT, thanh tra vào cuộc thì phát hiện ra có vấn đề. Chính vì vậy, Dự thảo Luật này cần có quy định rõ về trách nhiệm của KTNN trong vấn đề này. Nhiệm vụ, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của người đứng đầu, có như vậy mới xử lý được vấn đề này ở từng cơ quan có liên quan”.

Đọc thêm