Không để thương hiệu ngoại "làm mưa, làm gió" thị trường dệt may trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều ý kiến từ các nhà quản lý, tổ chức hiệp hội, nghiên cứu khoa học, luật sư, doanh nghiệp đã tích cực tham gia đóng góp hoàn thiện chiến lược phát triển cho ngành Dệt may trong thời gian tới.

Hiện, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đang chỉ đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) góp ý hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (gọi tắt là Chiến lược).

Hy vọng Chiến lược sẽ sớm được trình Thủ tướng Chính phủ để kịp thời phê duyệt và ban hành, có định hướng huy động sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp trong phát triển ngành Dệt may - một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu của Việt Nam.

PLVN trân trọng giới thiệu ý kiến của một số bộ, ngành, doanh nghiệp về chủ đề này:

* Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược trong năm 2021

Phó Cục trưởng Phạm Tuấn Anh.

Phó Cục trưởng Phạm Tuấn Anh.

Dự thảo Chiến lược định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành Dệt may, Da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa; Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu, gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế...

Vì thế, giải pháp đặt ra là: Hoàn chỉnh hệ thống luật, cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng thông thoáng, hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế; Xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất (ngành Dệt may) và bảo quản da nguyên liệu-thuộc da (ngành Da giày) có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường…

Các địa phương cần nghiên cứu, đề xuất, xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho công tác xử lý chất thải ngành Dệt may và Da giày. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng chất lượng nguồn nhân lực.

Được Lãnh đạo Bộ Công Thương giao chủ trì xây dựng Chiến lược. Cục Công nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thiện dự thảo Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược trong năm 2021.

* Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas: Không để những “đánh đổi” mở cửa là vô ích

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang.
Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang.

Các Hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp của ta được hưởng ưu đãi thuế quan, Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều, nếu đáp ứng được các quy tắc xuất xứ.

Rõ ràng, để mở được cánh cửa vào thị trường EU với dòng thuế giảm sâu thì Việt Nam cũng cần mở cửa và giảm thuế cho một số mặt hàng của EU. Vậy nên, ở tầm chiến lược quốc gia, chúng ta phải có giải pháp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của các ngành công nghiệp Dệt may, Da giày để tận dụng lợi ích từ dòng thuế đó, để những “đánh đổi” mở cửa không là vô ích.

Chiến lược cũng cần góp phần quy hoạch lại ngành Dệt may theo địa phương và vùng miền, xác định được những địa phương nào nằm trong khu vực cần phải đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.

* Luật sư Trần Hữu Huỳnh - thành viên Ban điều hành Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: Không để các hãng nước ngoài chi phối thị trường dệt may trong nước

Luật sư Trần Hữu Huỳnh.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh.

Với tư cách là ngành thu hút đến hàng triệu lao động, đóng góp vào GDP, xuất khẩu thì chiến lược ngành Dệt may cần đặt trong tương quan Việt Nam hội nhập, chuyển đổi nền kinh tế, chuỗi giá trị toàn cầu, cách mạng công nghệ và trên tinh thần phát huy một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Bên cạnh đặt trong bối cảnh trên thì không thể tách rời việc nghiên cứu, tổng hợp, phân tích những thành công và thất bại của ngành Dệt may trong 30 năm qua như tỷ lệ nội địa hóa, những ngành phụ trợ cho dệt may…

Điều quan trọng nữa là thiết kế một số nhãn mang tên tuổi Việt Nam, dứt khoát không để các hãng nước ngoài chi phối thị trường dệt may trong nước. Chúng ta đã có May 10, Thắng Lợi, An Phước… thì phải coi đây phong trào để chiếm lĩnh thị trường nội địa.

* Ông Phạm Văn Lượng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viện Nghiên cứu Dệt may Việt Nam: Thu hút các doanh nghiệp dùng công nghệ dệt nhuộm bền vững

Ông Phạm Văn Lượng.

Ông Phạm Văn Lượng.

Các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư tại Việt Nam đều rất thành công và là những nhà cung cấp vải rất tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thời gian tới, Việt Nam rất cần có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ dệt nhuộm bền vững để ngành Dệt may Việt Nam phát triển xanh, bền vững hơn.

Chúng ta cần khuyến khích đầu tư sản xuất sợi, vải trong nước, đáp ứng yêu cầu chất lượng cho may xuất khẩu, quy tắc xuất xứ của các FTAs thế hệ mới.

* Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10: Đầu tư xứng đáng cho công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt may

Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt.

Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt.

Hoạt động của các doanh nghiệp may Việt Nam có tính chất gia công lớn, nguyên phụ liệu chiếm khoảng 65% từ nguồn nhập khẩu. Việc khơi thông “điểm nghẽn” này đồng nghĩa với việc đầu tư xứng đáng cho công nghiệp hỗ trợ để có thể chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu.

Nhà nước cũng cần xác định vị trí, vai trò của công nghiệp Dệt may trong 10 đến 15 năm tới để có cơ chế, chính sách phù hợp trong trung và dài hạn; đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt Chiến lược, định hướng phát triển ngành trong tương lai.

Đọc thêm