Không điều chỉnh giá các dự án BOT giao thông

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chính thức có yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông không điều chỉnh giá các dự án BOT. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chính thức có yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông không điều chỉnh giá các dự án BOT. 

Dự án cầu Nhật Tân. Ảnh minh họa nguồn Internet
Dự án cầu Nhật Tân. Ảnh minh họa nguồn Internet

Không điều chỉnh giá các dự án BOT giao thông

Theo ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT,  hiện nay đã có 15/17 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu. Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu của 15 dự án nói trên. Riêng 2 dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu và Diễn Châu - Quán Hành đã triển khai từ năm 2010. 

Đối với các dự án mở rộng QL1 và 14, các nhà thầu cũng đang được tích cực triển khai, trong đó đoạn từ Thanh Hóa - Hà Tĩnh cũng được chính thức khởi công. Đối với các công trình quy mô là các dự án BOT vừa khởi công từ Hà Tĩnh đến Cần Thơ, đơn vị liên quan đang tiến hành các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, khảo sát thiết kế lập bản vẽ thi công, phối hợp với địa phương thực hiện GPMB…

Đối với QL1 và 14, đơn vị chức năng của ngành giao thông cũng đang lo ngại dự án sẽ chậm tiến độ bởi thủ tục ứng vốn cho công tác GPMB. Theo đó, các địa phương phải gửi phương án chi tiết GPMB đã được phê duyệt về Bộ GTVT để tổng hợp, làm việc với Bộ Tài chính kiểm soát trước khi cấp vốn. Trước “nút thắt” này, người đứng đầu Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT đã  kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép địa phương được ứng trước kinh phí GPMB trên cơ sở phương án GPMB tổng thể đã được phê duyệt trong dự án đầu tư, điều đó giúp có kinh phí chi trả ngay cho người dân khi phương án chi tiết được duyệt. 

Theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, đến nay dự án mở rộng QL1 và QL14 vẫn chậm tiến độ so với yêu cầu. Ông Thăng cũng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT phải siết chặt thiết kế, dự toán, hoàn thiện đầy đủ thủ tục theo quy định hiện hành. Đặc biệt, phải khẩn trương lựa chọn nhà thầu, nghiên cứu việc ký hợp đồng trọn góikhông điều chỉnh giá. 

Nhiều dự án trọng điểm trước nguy cơ chậm tiến độ

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT, hiện nay cả 12 dự án, công trình giao thông trọng điểm đang thực hiện tại Hà Nội đều chậm tiến độ. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do công tác GPMB chậm trễ”.

12 dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia do Bộ GTVT đang thực hiện gồm cả đường bộ, hàng không và đường thủy nội địa. Trong đó có những dự án với số vốn đầu tư lớn như cầu Nhật Tân, đường kết nối Nhật Tân - Nội Bài, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án xây dựng QL 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, dự án xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C, Dự án xây dựng Nhà ga T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Dự Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc bộ - WB6), Dự án xây dựng đường sắt nội đô tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên (tuyến 1) và tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2).

Theo Ban Chỉ đạo GPMB Tp. Hà Nội, cả 10 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đều đang gặp vướng mắc trong công tác GPMB. Đặc biệt là dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu theo kế hoạch là phải xong GPMB vào tháng 5/2013 nhưng hiện đang vướng 1,59ha đất liên quan đến 138 hộ dân trên địa bàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). Đối với dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, theo kế hoạch phải xong GPMB trong tháng 6/2013, tuy nhiên, đến đầu tháng 8/2013, mặt bằng cho dự án này vẫn chưa hoàn toàn được giải tỏa

Tại cuộc họp về tình hình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn mới đây, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng nhìn nhận công tác GPMB còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thi công các dự án. Ông Thảo cho hay, cơ chế chính sách về đền bù, GPMB còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là khâu xác định đơn giá đền bù, bố trí tạm cư, tái định cư; khâu chỉ đạo điều hành còn chưa quyết liệt ở tất cả các cấp; sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn chưa thường xuyên.

Hệ lụy của những dự án chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng trên thực tế cũng khiến người dân lo ngại. Mới đây nhất, nhà thầu Tokyu tại Việt Nam (đơn vị thi công gói thầu số 3 cầu Nhật Tân) cũng đã yêu cầu Bộ GTVT “bồi thường” 155 tỷ đồng do chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng. Số tiền 155 tỷ đồng này, phía nhà thầu gọi đó là các chi phí phát sinh liên quan đến việc thực hiện dự án.

Việt Hưng

Đọc thêm