Sáng 11/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp.
Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề này. Báo cáo nêu rõ kết quả đạt được của việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; của việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Báo cáo của Đoàn giám sát còn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng như hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch. Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh. Còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự...
Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm chính trong các tồn tại, hạn chế thuộc về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ban, ngành và các địa phương. Đoàn giám sát đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm với 27 bài học cụ thể, đề xuất 2 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện, đồng thời kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ băn khoăn về nguyên nhân được nêu trong Nghị quyết: “nguyên nhân chính của những tồn tại trên là do hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát, chưa điều chỉnh hết các quan hệ tình huống phát sinh tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống”. Ông đề nghị chỉ rõ khoảng trống pháp luật bởi các luật hiện nay đã có đầy đủ, chỉ chưa ở mức cao hơn trạng thái bình thường và thấp hơn tình trạng khẩn cấp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cần xem xét, đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan của Chính phủ cho ý kiến thêm đánh giá này; nếu không sẽ rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật. Tuy hệ thống pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhưng chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và sự điều hành cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc áp dụng Nghị quyết 30 không phải là hợp thức hóa sai phạm. |
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Đoàn giám sát đã triển khai công việc rất công phu, nỗ lực làm việc với Chính phủ về một số vấn đề lớn của chuyên đề. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát tối cao, với phạm vi rộng và tầm quan trọng lớn. Đây không phải chỉ là tổng kết một Nghị quyết của Trung ương hay một Nghị quyết của Quốc hội, mà cần nhận thức rõ giám sát tối cao là để đánh giá tổng thể việc thực hiện hệ thống pháp luật, nhìn nhận rõ thực tế, những hạn chế, tồn tại, yếu kém để có biện pháp khắc phục khả thi, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Cho rằng phạm vi giám sát là rất rộng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, một số nội dung trong báo cáo giám sát còn chung chung, chưa đủ rõ, cần sửa đổi để làm rõ vấn đề, quy rõ trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không, việc quản lý, sử dụng nguồn lực cụ thể cho phòng, chống dịch ra sao, lượng vaccine thừa, quá hạn cụ thể là bao nhiêu..., để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của các đề xuất trong báo cáo giám sát. Theo đó, Nghị quyết 30 đã quy định cho phép thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách, tuy nhiên, những biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách này cũng được quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan ban hành, và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chấp hành theo những biện pháp đã được quy định. Việc sử dụng biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách theo Nghị quyết 30 không phải là áp dụng một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm.
Đối với một số đề xuất giải pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc các cơ quan khác, một số vấn đề nằm ngoài phạm vi giám sát như việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, việc nâng cao chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế… sẽ nằm trong các nội dung công việc khác đang triển khai như sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, cải cách tiền lương… Vì vậy, Đoàn giám sát cần rà soát, nghiên cứu lại các đề xuất để đảm bảo cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn đầy đủ, vững chắc, cụ thể, đúng phạm vi giám sát, đúng thẩm quyền.