Không hy sinh các giá trị để chạy theo tăng trưởng đơn thuần

(PLVN) - Hôm qua (4/10), trong cuộc gặp đại diện doanh nghiệp (DN) nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu một quan điểm được đánh giá vô cùng đúng đắn và có tính gợi mở rất cao: “Không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt - Ảnh VGP

79 năm trước, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi giới Công Thương Việt Nam khuyến khích sự phát triển và nhấn mạnh vai trò giới Công Thương. Kế thừa, phát huy tư tưởng của Người, cách đây 20 năm, ngày 13/10 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam, với ý nghĩa khuyến khích, tôn vinh vai trò những doanh nhân.

Số liệu chính thức từ Bộ KH&ĐT cho thấy hiện nay, chúng ta có hơn 930.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã, hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Lực lượng DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng đánh giá đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng với nền kinh tế. Đội ngũ DN, doanh nhân cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển; có ý thức trách nhiệm với xã hội, tham gia các chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì cộng đồng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cũng tại cuộc gặp, kêu gọi đội ngũ DN, doanh nhân thực hiện một số vấn đề tiên phong, Thủ tướng nhấn mạnh tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế. Và tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, không để ai bị bỏ lại phía sau. Nói cách khác, là vừa phát triển kinh tế, làm ra của cải vật chất; vừa làm tốt công tác xã hội, thực hiện trách nhiệm với xã hội.

Đó là những tư tưởng rất chính xác, thực tế, phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Đất nước ngày càng phát triển, mặt bằng đời sống người dân ngày càng được nâng cao; đã không còn những nỗi lo thiếu miếng cơm ăn từng bữa, thiếu manh áo mặc hàng ngày. Khi mặt bằng chung cơm đã đủ ăn, áo đã đủ mặc, thì quan niệm “làm vì tiền”, “kinh doanh vì lợi nhuận” đã không còn hoàn toàn đúng.

Rất nhiều DN, doanh nhân từ lâu nay đã ý thức “tiền không phải là tất cả”, mà luôn hài hòa việc kinh doanh - trách nhiệm xã hội - phục vụ xã hội. Rất nhiều DN, doanh nhân luôn ý thức được việc làm ăn thuận lợi của mình một phần nhờ các chính sách đúng đắn, thông thoáng của Nhà nước, một phần nhờ sự đóng góp của người lao động cùng sự tin tưởng của người tiêu dùng, một phần nhờ sự may mắn… nên ở góc nhìn nào đó, thực hiện trách nhiệm xã hội cũng là bổn phận của DN, doanh nhân.

Nếu có tiền hoặc nhiều tiền, có thể làm được nhiều việc; nhưng tiền không phải là tất cả, không mua được thời gian, sức khỏe, sự an yên trong tâm hồn; nên đừng sai lầm bất chấp tất cả vì lợi nhuận, đừng chạy theo đồng tiền bằng mọi giá. Nói như vậy, để thấy Thủ tướng nêu rõ quan điểm “không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần” là vô cùng thuyết phục, phù hợp, đặc biệt mang tính gợi mở với giới DN, doanh nhân.

Đọc thêm