Quy định quá nhiều quyền cho thương nhân đầu mối
Theo đơn kiến nghị, nhiều nội dung của dự thảo Nghị định, đặc biệt về thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến quyền kinh doanh của DN không có căn cứ pháp luật, trái với nhiều quy định của các luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Giá, Luật Dự trữ quốc gia, đặc biệt Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đáng chú ý, đơn kiến nghị cho rằng, dự thảo Nghị định “phân biệt đối xử giữa các DN kinh doanh xăng dầu, tạo lợi thế kinh doanh cho các DN lớn có vị thế độc quyền, tạo cơ hội phát sinh tiêu cực, hình thành “lợi ích nhóm”, hạn chế quyền kinh doanh của các DN vừa và nhỏ, đặc biệt nhóm TNPP, thương nhân bán lẻ. Cụ thể, tại Điểm 9, 10 Điều 3 dự thảo Nghị định tiếp tục quy định phân ra 06 loại thương nhân khác nhau mặc dù tất cả đều chung ngành nghề kinh doanh xăng gồm “thương nhân đầu mối (TNĐM), thương nhân bao tiêu, thương nhân sản xuất, thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ và thương nhân dịch vụ”.
Từ việc phân loại DN này dẫn đến phân biệt đối xử và phương thức quản lý khác nhau từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại không phân loại DN theo chức năng vì tất cả DN đều có quyền lựa chọn kinh doanh các ngành nghề theo năng lực và nhu cầu thị trường tại từng thời điểm, miễn bảo đảm thoả mãn các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực đặc thù theo luật định. Bởi từ việc phân loại DN, dự thảo Nghị định liệt kê cho TNĐM đầy đủ và nhiều nhất các quyền kinh doanh (7 quyền), trong khi đó TNPP chỉ có 3 quyền, còn DNBL không có quyền mà chỉ có nghĩa vụ.
Trong khi đó, theo Điều 15 và Điều 18 Luật Ban hành văn bản, các vấn đề về quyền và hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân phải do hiến định và luật định, không thuộc thẩm quyền của Nghị định, do đó, theo nhóm TNPP và DNBL, việc dự thảo Nghị định hạn chế quyền kinh doanh bằng cách gắn các quyền ấy với các điều kiện bất hợp lý là trái luật. Ngoài ra, việc quy định về quyền kinh doanh của DN theo cách tiếp cận của dự thảo Nghị định dẫn đến sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử.
Cụ thể, trong bối cảnh hiện nay, khi một phần nguồn cung xăng dầu đã được sản xuất trong nước nhưng Bộ Công Thương vẫn quy định chỉ có TNĐM mới được mua từ các nhà sản xuất trong nước và TNPP lại không được mua. Chưa kể, dự thảo Nghị định còn quy định TNĐM được mua bán lẫn nhau, bao gồm cả mua từ TNĐM khác, trong khi đó TNPP lại chỉ được mua từ một nguồn duy nhất (từ TNĐM) mà không được mua bán với nhau. Trước đó, Nghị định 95/2021/CP-NĐ sửa đổi Nghị định 83/2014/CP-NĐ, Chính phủ đã quy định cho TNPP được mua xăng dầu lẫn nhau.
Theo nhóm TNPP, DNBL, với cách thức quy định về quyền kinh doanh như dự thảo hiện nay, các DN là TNĐM sẽ đương nhiên trở thành người “lãnh đạo” thị trường, biến các DN còn lại gồm TNPP và bán lẻ rơi vào vị thế phụ thuộc hay làm thuê… Cần phải lưu ý, theo đơn kiến nghị, trong khoảng 30 TNĐM, có 6 TNĐM đang chiếm đến 88% thị phần.
Kiến nghị giảm vị thế độc quyền của doanh nghiệp lớn và siêu lớn
Cộng đồng TNPP và DNBL đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các Bộ có liên quan, đặc biệt Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét sửa đổi dự thảo Nghị định với tinh thần đổi mới về phương thức và cơ chế quản lý, điều hành thị trường xăng dầu, theo hướng bảo đảm sự tuân thủ đúng khung khổ pháp luật hiện hành, hướng tới xây dựng một thị trường xăng dầu vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh tự do, bình đẳng và công bằng.
“Đặc biệt, chúng tôi kiến nghị Chính phủ có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các DN lớn và siêu lớn, giúp cho các DN nhỏ và vừa trong phân phối và bán lẻ không bị thôn tính phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” - đơn kiến nghị nêu rõ.
Ngoài ra, theo đơn kiến nghị, việc lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo Nghị định còn mang tính hình thức và không thực chất, thiếu toàn diện và đầy đủ đối với các đối tượng chịu sự tác động, không bảo đảm đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị tiếp tục tổ chức lấy ý kiến DN và chuyên gia về dự thảo Nghị định. Theo đó, cần tiến hành lập Báo cáo đánh giá tác động về chính sách, đặc biệt lấy ý kiến của nhóm thương nhân kinh doanh xăng dầu chịu sự tác động của Nghị định này, trong đó có nhóm TNPP và DNBL.