Vâng, nắm được “tư tưởng, tình cảm” của dân đang là câu chuyện không hề nhỏ. Đây là việc lớn của cách mạng. Nhân dân có thông mới có “đồng thuận xã hội”. Tất nhiên, đây là nhiệm vụ nặng nề của khái niệm chúng ta nghe rất quen là “hệ thống chính trị” chứ không riêng của ngành Tuyên giáo, từ Trung ương đến địa phương.
Vấn đề là cơ chế nào để có thể “nắm được tư tưởng, tình cảm” của dân. Về Đảng, “hệ thống chính trị” có hẳn một ngành Dân vận, về tổ chức chính trị xã hội, có hẳn hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và theo Điều 9 Hiến pháp năm 2013, “hệ thống” ấy còn có 6 tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách chu cấp để tổ chức, vận động nhân dân. Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì nhiều, một lúc không thể đếm hết.
Đấy là chưa nói “hệ thống chính trị” ấy còn có Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp - cơ quan gồm những đại biểu “là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội” – Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội (Luật số: 57/2014/QH13).
Để dân phản ánh được “tư tưởng, tình cảm” đã có một “hành lang pháp lý”, bao gồm: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Trưng cầu ý dân... Theo những luật này, người đứng đầu chính quyền (dù là chính quyền theo ngành hay lãnh thổ) đều có trách nhiệm tiếp dân. Đáng tiếc, “tư tưởng, tình cảm” của dân chúng ta vẫn không nắm được.
Còn nhớ, cuối năm 2017, tại Hội nghị giao ban công tác dân vận khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội năm 2017; triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương VI (khóa XII), Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tăng cường nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời phản ánh tới các cơ quan Đảng, Nhà nước về những vấn đề mà người dân quan tâm.
Bên cạnh đó cần quan tâm hơn nữa đến công tác dân tộc, tôn giáo; chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Thực tế, đây là việc mà MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trách nhiệm phải làm.
Đã đến lúc tư duy, tổ chức bộ máy, phương pháp vận hành cần phải thay đổi. Đặc biệt là những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh của kỹ thuật và mạng internet đang ngày càng tạo “sức ép” lên “hệ thống” có trách nhiệm và nghĩa vụ nắm “tư tưởng, tình cảm” của dân. Quy luật tất yếu là không nắm được “tư tưởng, tình cảm” của người dân là mất dân, mất người dân là mất tất cả!.