“Cần có cơ chế tiếp thu, tiếp nhận và giải quyết kiến nghị chứ không nên để phản biện như đấm vào chỗ không người”, PGS.TS Phạm Bích San, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nói, tại Hội thảo về nâng cao hiệu quả hoạt động phản biện xã hội chính sách và pháp luật của nhà nước do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức hôm qua, 22/12.
Các đại biểu tham dự Hội thảo về nâng cao hiệu quả hoạt động phản biện xã hội chính sách và pháp luật của Nhà nước |
Hoạt động của các cơ quan nhà nước cần được giám sát
Ba câu chuyện được PGS.TS Phạm Bích San đưa ra để dẫn chứng cho hiệu quả của phản biện xã hội. Đó là Dự án khai thác bô- xít tại Tây nguyên do Tập đoàn than, khoáng sản Việt Nam (TKV) triển khai vào năm 2008. Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển đã có “cảnh báo” về những vấn đề liên quan đến dự án này tới Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Liên hiệp đã tiến hành nhiều hoạt động để cung cấp thông tin và đối thoại với Chính phủ, phản biện cho TKV tại cuộc họp của Bộ Chính trị. Kết quả, Dự án khai thác bô- xít đã được chỉ đạo làm thí điểm tại Tân Rai và Nhân Cơ.
Tương tự là Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với số vốn dự kiến 56 tỷ USD, chuyện quy hoạch đô thị Hà Nội với trục Hồ Tây – Ba Vì, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật cũng đã tổ chức tham vấn ý kiến các nhà khoa học, cung cấp thông tin cho báo chí. Kết quả một dự án bị Quốc hội “bác”, một dự án được tiếp thu với nhiều điều chỉnh hợp lý.
Theo PGS.TS Phạm Bích San, hiện nay nhu cầu phản biện ngày càng lớn, nhưng hiện chưa có cơ chế tiếp thu, tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, làm cho phản biện như “đấm vào chỗ không người”. Ông San đề nghị “sửa đổi Hiến pháp tới phải khẳng định lại quyền được phản biện, quyền được tự do ngôn luận của người dân”.
Phản biện phải có phản hồi
Nhiều ý kiến đồng tình với nhận định của ông Phạm Bích San, Th.S Lê Thiều Hoa, Viện Khoa học pháp lý cho rằng: “dù phản biện xã hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp nhưng Việt Nam vẫn thiếu một hành lang pháp lý đồng bộ bảo đảm thực hiện các hoạt động phản biện xã hội một cách rộng rãi, chất lượng, hiệu quả”. Do đó, theo Th.S Hoa cần ban hành một văn bản có giá trị pháp lý cao nhằm hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động phản biện xã hội.
Th.S Trần Văn Hai, Ban Pháp chế, VCCI dẫn kết quả điều tra đối với DN gần đây cho thấy: có đến 4/5 số DN được hỏi cho biết chưa bao giờ họ được tham gia phản biện đối với cơ quan Nhà nước ở cả trung ương và địa phương, gần 80% DN nói rằng muốn tiếp cận các thông tin của cơ quan nhà nước phải bằng “quan hệ”, 50% cho rằng muốn có thông tin phải mất chi phí. "Đó là bức tranh tối màu, do đó cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, và cần quy định cơ chế giám sát cơ quan soạn thảo văn bản luật”.
TS Bùi Xuân Đức (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, Mặt trận Tổ quốc - dù có vai trò “đại diện của nhân dân” - tuy nhiên khi đóng góp ý kiến, việc cơ quan tiếp nhận có nghe hay không vẫn là “việc của người ta”. Ông Đức kiến nghị “phải làm rõ ai là chủ thể phản biện, đối tượng phản biện và trình tự phản biện.”
Để phản biện xã hội không “rơi vào quên lãng”, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức được phản biện phải thể hiện việc tiếp thu kết quả phản biện và trả lời bằng văn bản cho chủ thể phản biện. Và việc này đương nhiên cần phải có những quy định pháp luật rõ ràng, thể hiện từ Hiến pháp đến các văn bản luật, dưới luật. Phản biện tốt, được tiếp thu, điều đó đồng nghĩa với chính sách pháp luật sẽ khả thi hơn trong thực tiễn.
“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” (Điều 53 Hiến pháp 1992) |
Bình An