Báo Pháp luật Việt Nam thời gian qua có đăng một số bài về sửa đổi Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch, trong đó có đề cập vấn đề có nên giữ ổn định hồ sơ giấy tờ cá nhân trong khi các dữ liệu khác với giấy khai sinh bản chính. Sau khi báo đăng, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi khác nhau. Số ra kỳ này xin giới thiệu bài viết của ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hòa Bình.
Lỗi không thuộc về quy định pháp luật
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/CP là cần thiết nhưng phải bảo đảm các giấy tờ hộ tịch nói chung và Giấy khai sinh nói riêng được tôn trọng đúng với giá trị pháp lý vốn có của nó, không vì bất cứ một lý do để hạ thấp giá trị. Do đó, cần có sự nhất quán trong quan điểm khi sửa đổi nội dung này, không thể bị động vì tình hình thực tiễn khi mà lỗi không thuộc về quy định của pháp luật.
Khoản 2, Điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân... phải phù hợp với Giấy Khai sinh của người đó”. |
Chỉ nên sửa đổi những vấn đề bức xúc, nổi cộm
Để góp phần hoàn thiện Nghị định 158 sửa đổi, bổ sung, tôi kiến nghị:
Một là, để nâng cao ý thức của nhân dân trong việc đăng ký, quản lý và sử dụng giấy tờ hộ tịch nói chung và Giấy khai sinh nói riêng, đề nghị giữ nguyên quy định cũ, các trường hợp nêu trên phải thực hiện đăng ký cải chính hộ tịch cho phù hợp với Giấy khai sinh, không tạo thêm sơ hở trong các quy định của Nghị định 158 sau khi được sửa đổi, bổ sung.
Hai là, để tạo điều kiện cho những người có hồ sơ đầy đủ, thống nhất về dữ liệu, cần quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc bằng một văn bản quy phạm khác của Chính phủ cho phép những trường hợp này được quyền thực hiện thay đổi, cải chính hộ tịch trong thời hạn nhất định. Ví dụ: “Trong thời hạn 01 năm, kể từ khi Nghị định này có hiệu lực pháp luật, các trường hợp có giấy tờ, hồ sơ thống nhất về dữ liệu nhưng không khớp với khai sinh gốc, có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tại nơi cư trú để cải chính hộ tịch theo quy định, sau thời hạn trên, cơ quan có thẩm quyền sẽ không giải quyết”.
Ba là, việc sửa đổi, bổ sung lần này chỉ tập trung vào những vấn đề thật bức xúc, nổ cộm, thì theo tôi đây là thời điểm thích hợp để động viên, giải tỏa tâm lý và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của công chức hộ tịch trong những năm qua đã công hiến cho ngành Tư pháp, đồng thời “giữ chân” được những công chức giỏi, có tâm huyết với ngành. Do đó, nên xây dựng quy định về chức danh “Hộ tịch viên” trong Nghị định 158 sửa đổi, bổ sung, tạo tiền đề cho việc xây dựng Luật Hộ tịch sau này.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung mức phạt tiền tại Nghị định 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, phần xử phạt đối với công tác quản lý hộ tịch theo hướng tăng lên gấp 3 hoặc 4 lần, nhằm tạo tính răn đe và nâng cao ý thức của người có yêu cầu thực hiện trong lĩnh vực này.
“Năm 2006, nguyên phó giám đốc một cơ quan cấp tỉnh, có khiếu nại việc cơ quan cho ông về hưu sớm trước 02 năm vì lý do hồ sơ đảng viên của ông ghi sinh năm 1948, trong khi hồ sơ cán bộ ghi ông sinh năm 1946 và Giấy khai sinh bản chính của ông đã mất. Lý do có hai năm sinh khác nhau, ông giải thích là khi đi làm nhưng do chưa đủ tuổi nên ông đã khai tăng tuổi cho đủ 18 tuổi, khi vào đảng ông lại lấy đúng năm sinh của mình để khai. Khi được hỏi ý kiến về trường hợp này, căn cứ vào quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP, Sở Tư pháp đã hướng dẫn ông làm thủ tục xin cấp lại Giấy khai sinh cho đúng quy định và đề nghị cơ quan quản lý ông thực hiện đúng quy định là phải sử dụng Giấy khai sinh được cấp lại (theo hồ sơ cán bộ, vì hồ sơ cán bộ của ông được lập trước hồ sơ đảng viên) để làm chế độ cho ông. Đến nay, ông cũng không có khiếu nại gì. Điều đáng nói ở đây, là có những công dân và người có thẩm quyền đã coi thường các quy định về quản lý, đăng ký hộ tịch, cố ý hoặc vô ý làm sai lệch dữ liệu trong Giấy khai sinh nhằm mục đích vụ lợi cá nhân, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong xử lý, giải quyết”. Trần Việt Hưng