Cứ 5 người Việt thì có 1 người sử dụng thuốc lá
Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape, ENDS (hệ thống điện tử cung cấp nicotin), ENNDS (hệ thống phân phối không chứa nicotin). … được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt: có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son,…. Do vậy, học sinh dễ dàng sở hữu thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp mà không bị phát hiện. Sự “mới lạ” của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây,..) cùng những lời quảng cáo: không gây hại, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của “tuổi mới lớn” và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.
Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 15.6 triệu người trưởng thành đang sử dụng thuốc lá, chiếm 22.5% dân số. Con số này khiến Việt Nam là quốc gia có người trưởng thành sử dụng thuốc lá nhiều thứ 15 trên thế giới.
Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng thuốc lá trong người dân đang có xu hướng gia tăng, nổi cộm là vấn đề sử dụng thuốc lá trong giới trẻ tăng rất nhanh thông qua hình thức tràn lan việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới – thuốc lá điện tử.
Theo Th.S Đào Thế Sơn, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies), những nước đang phát triển như Việt Nam vốn có tỷ lệ thuốc lá truyền thống vẫn cao, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia sẽ luôn nhắm vào thế hệ trẻ để quảng cáo. Các sản phẩm thuốc lá điện tử thực chất là những sản phẩm độc hại mới, nếu không ngăn chặn sớm thì sẽ tạo ra một đại dịch mới đối với giới trẻ, tạo ra gánh nặng rất lớn cho Việt Nam.
Còn theo bà Lê Thanh Hải, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá thế hệ mới làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, nhất là với trẻ em, vị thành niên, phụ nữ hay trẻ em gái. Các sản phẩm này nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Giới trẻ tuyệt đối không nên sử dụng thuốc lá điện tử
Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá được tổ chức ngày 23/11 vừa qua, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng "Thuốc lá điện tử là một sản phẩm gây hại. Nó không phải thức ăn, nước uống, không phải là thuốc chữa bệnh, chỉ mang tính chất giải trí nhưng tác hại của nó vô cùng lớn".
Hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn rất nhiều lần so với thuốc lá thông thường. Đây là chất độc, khả năng gây nghiện cao. Theo một nghiên cứu trên thế giới vào năm 2018, ước tính cứ 1 người bỏ được thuốc lá khi dùng thuốc lá điện tử thì có thêm 80 trẻ vị thành niên nghiện nicotine.
Ngoài ra, các loại thuốc lá điện tử chứa rất nhiều loại hóa chất, đều các hóa chất nhân tạo tổng hợp với số lượng khổng lồ, thay đổi các hóa chất liên tục. Điều này làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết. Bên cạnh đó, nó còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Theo bác sĩ, thuốc lá điện tử khó xét nghiệm, khó kiểm tra, chứa toàn các loại hóa chất mới, độc tính rất mạnh, không khác gì ma túy đá, thậm chí còn phức tạp hơn.
"Có quá nhiều vấn đề bệnh tật liên quan đến thuốc lá điện tử. Chúng ta hít vào người là hít vào đường hô hấp, hấp thu gần như 100% giống như tiêm thuốc thẳng vào tĩnh mạch, tiêm hóa chất trực tiếp vào máu", TS Nguyên nói.
Hiện nay ở một số nước đã cấm thuốc lá điện tử như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,…Trung Quốc là nước phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử (nhiều nhất trên thế giới) cũng đã thực hiện chính sách cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10/2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử). Do đó, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên đề xuất cần cấm ngay lập tức việc lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam, cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi.