Không ngừng nỗ lực, đồng hành để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó 2/3 các em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet.
Trẻ em rất cần môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Ảnh Lan Hương
Trẻ em rất cần môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Ảnh Lan Hương

Theo thống kê, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12 - 13 có sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14 - 15 tuổi. Cũng theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững, khảo sát sau đại dịch COVID-19 cho thấy độ tuổi trẻ em sử dụng Internet đang giảm xuống ở 6 - 7 tuổi. Và có 87% trẻ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet ít nhất 1 lần/ngày.

Bên cạnh mặt tích cực, các thiết bị điện tử và mạng Internet cũng là môi trường thuận lợi cho tội phạm mạng và các nội dung xấu gây hại đến trẻ em khi số liệu thống kê từ Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cũng từng chỉ ra, có tới 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet và có hơn 70% trẻ em đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet. Theo một khảo sát của UNICEF được công bố vào tháng 4/2019, trong số các thanh, thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát thì có 21% là nạn nhân của bắt nạt trên mạng, 75% không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.

Năm 2019, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN, tiếp đó năm 2021 đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN, trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến.

Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025. Các nhiệm vụ chính được Chương trình đưa ra là: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; Tăng cường hợp tác quốc tế.

Đến nay, Chương trình đã đạt được một số kết quả như các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành được 3 Nghị định: Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BTTTT ngày 29/7/2022 của Bộ TT&TT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở TT&TT thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc UBND cấp huyện; và 1 văn bản quy phạm pháp luật là Quyết định 05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT ngày 15/08/2022 về quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT&TT...

Về phía Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2020 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 830/QĐ-TTg như: xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 qua điện thoại, website, zalo, fanpage, email; sử dụng chính môi trường mạng để tăng cường sáng tạo tương tác trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em; tổ chức các hội thảo, tọa đàm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tổ chức cuộc thi sáng tạo ý tưởng trò chơi về bảo vệ trẻ em; xây dựng các sản phẩm: tờ rơi, tài liệu, clip hướng dẫn kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em, cha mẹ, đăng tải trên website của Bộ, Cục Trẻ em, Tổng đài 111.

Trong công tác phối hợp, đồng hành, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, Bộ Công an để cùng đồng hành xử lý các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng, có văn bản xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm. Bộ LĐ-TB&XH chủ động thông tin, có công văn đề nghị kiểm tra, xử lý các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em ngay khi phát hiện các thông tin trên báo điện tử, mạng xã hội và từ phản ánh của người dân qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT&TT. Phối hợp với Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, nội dung trên môi trường mạng thực thi quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em trên nền tảng.

Năm 2021, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập với sự tham gia của 24 đơn vị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp,… nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Đọc thêm