Cú đâm rất mạnh đã hất văng xe tải đi xa hơn 50m. Hậu quả, chiếc xe tải bị xé đứt đôi, ca bin xe nát vụn. Riêng đoàn tàu SE2 sau cú va xe tải cũng bị trật bánh, 5 toa tàu văng khỏi đường ray (gồm 3 toa chở khách, 1 toa cung ứng và 1 đầu máy). Vụ tai nạn làm ông Phạm Công Phượng (sinh năm 1984, quê ở Yên Bái) là Phó tàu phụ trách an ninh tử vong.
Hai người đi trên xe ô tô tải là Lê Bá Dũng (sinh năm 1979) và Lê Văn Tuấn (cùng trú tại thị xã Hương Thủy, TT-Huế) cũng thiệt mạng. Thi thể ông Phạm Công Phượng bị mắc kẹt nhiều giờ trong toa tàu bị lật buộc lực lượng cứu hộ phải đào đường hầm để đưa ra.
Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn xã Lộc Thủy xảy ra tai nạn giữa tàu hỏa và xe ô tô, hoặc xe gắn máy. Còn nếu tính trên cả nước trong năm 2017 thì đây là vụ tai nạn giao thông đường sắt thứ chín.
Trước đó, trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông trên đường sắt, làm chết 6 người, làm bị thương 11 người, tăng 60% về số vụ, 100% về số người chết, 175% số người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Bính Thân.
Trước tình hình này, đầu tháng 2, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã gửi Công điện số 3 về các giải pháp cấp bách kéo giảm tai nạn giao thông tại đường ngang qua đường sắt và ngay trong ngày 20/2 mới đây, sau khi xảy ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia ban hành công điện chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Không sợ núi cao, chỉ sợ đường bằng” – đó là tâm sự của người lái tàu của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội Trương Xuân Thức (người đã không quản hiểm nguy, bảo vệ tính mạng của hơn 300 hành khách trên chuyến tàu Thống Nhất TN6 TP HCM - Hà Nội khi va vào chiếc ôtô tải băng qua đường ray tại xã Tiên Tân Duy Tiên, Hà Nam ngày 6/8/2010, anh Thức đã hy sinh một phần cánh tay trái khi gắng sức ghì chặt phanh để tránh lật các toa tàu phía sau đầu máy) khi phóng viên viết bài về anh.
Theo lời anh Thức, trong hành trình của những người lái tàu đi dọc đất nước, tuyến đường sắt Lào Cai – Yên Bái với tên thường gọi là tuyến Yên – Lào là nguy hiểm nhất, “nhưng điều khiển tàu cheo leo vực núi chúng tôi vẫn không sợ bằng khi tàu đi trên đường bằng qua các khu đông dân cư, bởi khi đó đường ngang dân sinh trở thành nỗi ám ảnh ”.
Năm 2015, theo thống kê sơ bộ của ngành đường sắt thì cả nước có 1.512 đường ngang hợp pháp có biển báo, cảnh báo tốc độ, nhưng có tới 4.575 đường ngang dân sinh với vô số các “điểm đen” về tai nạn giao thông.
Để đường ngang dân sinh không trở thành nỗi ám ảnh của những đoàn tàu, đã nhiều lần ngành đường sắt và công an phối hợp để kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lí nghiêm các hành vi vi phạm, nhưng dường như sự việc vẫn chưa thể nhìn thấy hiệu quả ngay được vì nhiều lý do như: người dân không chấp hành, chính quyền địa phương không chỉ đạo, theo dõi sát sao việc người dân tự ý mở đường ngang trên địa bàn mình quản lý….
Chính vì thế, mà trong Công điện số 3 đầu tháng 2/2017, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh việc Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với cơ quan chức năng có kế hoạch cụ thể việc xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt; cương quyết chấm dứt việc để phát sinh đường ngang trái phép, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép.
Thiết nghĩ, đến lúc này thì việc đường ngang dân sinh gây nguy hiểm cho an toàn giao thông đường sắt không chỉ là chuyện riêng của ngành đường sắt và công an nữa, mà sự tham gia của chính quyền địa phương là rất cần thiết và phải có sự quy hồi trách nhiệm rõ ràng, để những con tàu Việt Nam có thể bình yên “đi suốt 4 mùa vui”.