“Không thể chấp nhận việc có tiền, có vốn mà không tiêu được!”

(PLO) - Hôm qua (25/7), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra 13 bộ, cơ quan, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2017. 

Theo đó, 13 bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, UBND TP Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Phước, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Thủ tướng phê bình 13 bộ, đơn vị, địa phương

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, một trong điểm nghẽn của tăng trưởng là giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nếu không có giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng tăng cao. “Thủ tướng rất gắt gao, liên tục nhắc tôi chuyển lời phê bình tới Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng của 13 đơn vị hôm nay” - Bộ trưởng Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Theo Bộ trưởng Dũng, nguyên nhân chậm trễ trước hết thuộc về lãnh đạo các cơ quan, trong chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể. Cùng với đó là vấn đề thủ tục, năng lực đơn vị thi công, các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Thậm chí, thực tế còn có hiện tượng sử dụng “mẹo” đẩy tiến độ giải ngân lên để ứng vốn xong gửi ngân hàng, tăng tỷ lệ giải ngân lên nhưng tiền đó không vào đầu tư phát triển. “Sẽ kiểm tra việc này, nếu có trường hợp đó thì không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, hôm nay phải công khai, minh bạch.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, trong đó có 13 đơn vị hôm nay, phải có giải pháp mạnh nhất để tập trung giải ngân quyết liệt. Nếu năng lực nhà thầu thi công không đáp ứng được thì thay thế nhà thầu. Nếu bộ phận cán bộ theo dõi năng lực không tốt hoặc có vướng mắc thì sắp xếp, thay thế cán bộ. Nếu do mặt bằng thì phải trực tiếp chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Tinh thần là thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, “không thể chấp nhận việc có tiền, có vốn mà không tiêu được do thủ tục của chúng ta, do không chỉ đạo quyết liệt”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nếu tới tháng 10 này các đơn vị không giải ngân kịp thì Thủ tướng bắt buộc phải điều chuyển vốn. Trong năm 2016, một số bộ, ngành, địa phương đã giải ngân chậm và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng xem xét rất kỹ khi giao vốn năm nay.

Tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%

Bộ Tài chính cho biết, có 13 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm, đến ngày 15/6 chỉ đạt dưới 20%. Sau khi được đôn đốc, tình hình giải ngân các đơn vi này đã có chuyển biến tích cực, một số đơn vị đạt trên 20%. Cập nhật mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến 30/6/2017, một số cơ quan, địa phương đã đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 20% như Ủy ban Dân tộc, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh. Các bộ có tỷ lệ giải ngân thấp có Hội Cựu chiến binh (4,5%), Bộ Ngoại giao (5,1%), Ngân hàng Nhà nước (5,8%); Thông tấn xã Việt Nam (8,5%), Kế hoạch Đầu tư (13,3%), Y tế (16%).

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số vốn giải ngân hết hết tháng 6 là 54 tỷ đồng, đạt 13,3% kế hoạch được giao đầu năm (406 tỷ đồng). Nguyên nhân chậm giải ngân là do 2 dự án “đầu tư xây dựng Học viện Chính sách và Phát triển” và dự án PPP “Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ theo hình thức đối tác công tư”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu lý giải thêm: liên quan đến dự án trụ sở Học viện Chính sách và Phát triển; cuối năm 2016, Bộ đã gửi sang Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế công trình và phương án thi công. Sau quy trình thẩm tra sẽ đến thủ tục thẩm định nhưng do thay đổi chính sách pháp luật, dự án này thuộc trách nhiệm Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định. Tuy nhiên, cũng theo quy định, cơ quan thẩm tra cũng là cơ quan sẽ tiến hành thẩm định nhưng Bộ Xây dựng “lỡ” thẩm tra rồi nên Sở Xây dựng cũng không thể thẩm định. 

Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn thì cho biết, Đề án 125 có dự án trọng điểm là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bộ Y tế được giao nhưng do vướng thủ tục từ xây dựng đến mua sắm thiết bị nên tỷ lệ giải ngân thấp. Thực tế tiền tạm ứng cho nhà đầu tư là 2.000 tỷ trên 3.200 tỷ đồng, chỉ có khâu thủ tục là chưa xong. 

Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng nêu: “Nợ công chạm trần, Chính phủ sẽ phải tính đến vay nợ trong nước. Để vay nợ, bù đắp bội chi, các công cụ điều hành vĩ mô như lãi suất, tỷ giá... sẽ được sử dụng. Điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế. Việc huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ xong rồi không “tiêu” được, “chậm tiêu” lại quay về nằm ở ngân hàng là luẩn quẩn”.

Đọc thêm