Không thể coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp

(PLO) - Đây là trăn trở của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khi chủ trì Hội thảo “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp” được tổ chức vào hôm qua (12/10). Không chỉ là hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2017, Hội thảo chính là dịp để các đại biểu cùng nhận diện về những kết quả đã đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác PBGDPL.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội thảo.

Bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh PBGDPL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, khâu đầu tiên của hoạt động thi hành pháp luật và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân. Với trọng trách được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác PBGDPL trong cả nước và thực hiện chức năng của Bộ quản lý chuyên ngành, những năm qua, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và của từng địa phương. 

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, công tác PBGDPL trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, Thứ trưởng thấy vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL, coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp nên có tư tưởng ỷ lại, không tích cực trong công tác này. Trong bối cảnh chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị ngày càng được tăng cường, yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về từng lĩnh vực ngày càng đòi hỏi thực chất hơn, hiệu quả cao hơn, các văn bản pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, tham mưu ban hành ngày càng nhiều, Thứ trưởng Hiếu yêu cầu công tác thông tin, truyền thông, PBGDPL về từng lĩnh vực của các đơn vị phải được tiến hành một cách chủ động, bài bản, thống nhất, toàn diện và có hiệu quả. 

Chia sẻ cụ thể về một số bất cập, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân chỉ ra là công tác PBGDPL trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp chưa được thường xuyên, liên tục, rộng khắp, có nơi chạy theo phong trào, thậm chí còn hình thức. Nội dung, hình thức PBGDPL chậm được đổi mới, chưa sát với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân; chưa ứng dụng triệt để thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Công tác tham mưu, quản lý nhà nước về PBGDPL trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp có lúc, có thời điểm còn lúng túng, thụ động…

“Hiến kế” nhiều giải pháp thiết thực

Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, ông Lân cho rằng cần quan tâm triển khai thực hiện một số giải pháp như Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin, các cơ quan báo chí để tăng cường công tác thông tin về pháp luật; chú trọng PBGDPL cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu đến từ một số bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ đã “hiến kế” nhiều giải pháp thiết thực. Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng nêu lên một số mô hình đang thí điểm trong hoạt động PBGDPL của Bộ mình như Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật, Tổ tư vấn tâm lý pháp lý quân nhân ở cấp trung đoàn, Câu lạc bộ pháp luật dành cho thanh niên – mang lại nhiều hiệu quả bước đầu và tới đây sẽ được nhân rộng. Không những thế, Bộ Quốc phòng đã ban hành một thông tư quy định thống nhất trong toàn ngành về công tác PBGDPL cũng như có cả thông tư quy định về phụ cấp cho báo cáo viên pháp luật.

Tại Bộ Tài chính, bà Mai Hà Uyên (Vụ Pháp chế) cho biết, mô hình đối thoại với doanh nghiệp được các đơn vị thuộc Bộ triển khai rất tốt. Còn Sở Tài chính các địa phương thì đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để gửi email, ebook về thông tin pháp luật cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc Kim Thị Ánh lại phấn khởi thông tin, hoạt động PBGDPL luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm về ngân sách. Theo Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Trần Thị Lệ Hoa, để làm tốt công tác PBGDPL chuyên sâu về hộ tịch, Cục đã nỗ lực, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, tạo thêm nguồn lực hỗ trợ đáng quý. Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe kiến nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong công tác PBGDPL… 

Đọc thêm