"Không thể đóng cửa bến xe Lương Yên khi chưa có lộ trình cụ thể"

“Bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, vì vậy, khi chưa có phương án sắp xếp cho các DN vận tải đi đâu, bố trí cho người dân đi lại các tuyến đó như thế nào, thì chưa thể nói đến chuyện đóng cửa được. Phải có thời gian, lộ trình cụ thể và phải thông báo rộng rãi cho nhân dân biết”, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay.

[links()] Vừa qua, Báo PLVN đã phản ánh việc TCty Lương thực Miền Bắc có “trát” yêu cầu Cty Lương thực Lương Yên “đóng cửa” bến xe Lương Yên kể từ ngày 1/7 tới. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi,  ông Nguyễn Văn Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, đến thời điểm hiện tại sở này vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ phía TCty Lương thực Miền Bắc. 

Bến xe Lương Yên. Ảnh: dantri
Bến xe Lương Yên. Ảnh: dantri.com.vn

Ông Linh nhấn mạnh: Bến xe Lương Yên được hình thành đã 8 năm (từ năm 2004) với mô hình xã hội hóa, nên không thể nói đóng cửa là đóng ngay được. “Bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, vì vậy, khi chưa có phương án sắp xếp cho các DN vận tải đi đâu, bố trí cho người dân đi lại các tuyến đó như thế nào, thì chưa thể nói đến chuyện đóng cửa được. Phải có thời gian, lộ trình cụ thể và phải thông báo rộng rãi cho nhân dân biết”.

Ông Linh cho biết thêm, việc đóng cửa một bến xe khách là không  đơn giản. Về mặt thủ tục, Cty Lương thực Lương Yên phải có báo cáo, kiến nghị, trình UBND TP, Sở GTVT Hà Nội cùng các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, rồi lên phương án di dời, bố trí, sau đó mới tính đến việc đóng cửa.

“Bến xe là tài sản chung, phục vụ nhân dân, không phải tài sản riêng của cá nhân,  tổ chức nào. Dù  thời điểm này, Cty Lương thực Lương Yên đã có gửi tờ trình lên Sở GTVT thì cũng không thể đóng cửa bến xe Lương Yên vào ngày 1/7 ngay được” - ông Linh khẳng định.

Về phía đơn vị chủ quản bến xe– Cty Lương thực Lương Yên- với số tiền 10 tỷ đồng đã bỏ ra để cải tạo, xây dựng bến tạm Lương Yên theo phương án gọn nhẹ, chuyên nghiệp, gồm đầy đủ nhà dịch vụ, sân đón trả khách, các quầy bán vé…., chứng tỏ DN cũng vẫn có tham vọng kinh doanh bến xe lâu dài.  Vì vậy, kế hoạch “khai tử” từ ngày 1/7 rõ ràng chỉ có thể là do sức ép từ  TCty Lương thực Miền Bắc.

Trong khi, theo quy hoạch đã được phê duyệt, nền đất của bến xe Lương Yên cũ được chia làm 3 phần: 14.228 m2 của khu đất sẽ được đầu tư xây dựng thành khu đô thị hỗn hợp, 5.576 m2 được quy hoạch thành bãi đỗ xe cao tầng; 2.500m2 dành cho việc xây dựng trường học. Như vậy, trước mắt, bến tạm hiện nay không “chồng lấn” gì tới dự án cao ốc của TCty.

Được biết, thời gian cấp phép tối đa cho các bến xe tạm theo quy định là 6 tháng/lần. Hiện giấy phép hoạt động của Bến xe Lương Yên còn hiệu lực đến hết 30/06; nếu sau ngày 30/6, đơn vị quản lý bến  là Cty Lương thực Lương Yên không tiếp tục làm thủ tục xin cấp giấy phép, bến sẽ chính thức đóng cửa.

Trường Lưu

Đọc thêm