Không thể “khoán trắng” cho dân trong lấy ý kiến dự thảo văn bản pháp luật

(PLVN) -Ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị, quá trình xây dựng pháp luật, phải đảm bảo thực chất việc lấy ý kiến nhân dân. “Như mình là nhà làm luật còn đọc mãi mới hiểu, nói gì dân. Không thể nói dân không có ý kiến gì cả, phải giải thích đầy đủ cho dân”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đề nghị phải đảm bảo thực chất việc lấy ý kiến nhân dân.

Sáng nay (19/2), tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) 

Đánh giá cao những vấn đề sửa đổi trong dự thảo Luật, Ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, những vấn đề sửa đổi cơ bản đúng và trúng vì nó nhận diện được những vấn đề đặt ra và khắc phục được những bất cập, tồn tại lâu nay.

Theo ông Liên, hiện nay việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản QPPL còn hình thức, chưa đảm bảo tính dân chủ. “Nhu cầu dân chủ trong xây dựng pháp luật phải đặt lên hàng đầu, như vậy pháp luật mới làm tròn vai trò trong Nhà nước Pháp quyền”- ông Liên nhấn mạnh.

 Ông Liên kiến nghị, trong dự thảo luật phải quy định rõ về thời gian, điều kiện, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến nhân dân sao cho “đàng hoàng”, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của luật đó. 

Việc lấy ý kiến cũng “đừng đánh đố dân”. “Như mình là nhà làm luật còn đọc mãi mới hiểu, nói gì đến dân. Chúng ta không thể nói dân không có ý kiến gì rồi trình dự luật lên, như thế là hình thức. Phải giải thích đầy đủ cho dân, tức là đề cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo trong việc thiết kế một cái gì đấy rất thiết thực để lấy ý kiến nhân dân chứ không thể “khoán trắng” cho dân như hiện nay. 

Thứ hai, sau khi nhân dân có ý kiến thì việc phản hồi ý kiến phải làm đầy đủ, cái gì dân nói đúng phải nghe, tiếp thu và giải trình như giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội”- ông Hoàng Thế Liên góp ý.

Vẫn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, dự thảo Luật cũng cần đề cao trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc lấy ý kiến cử tri về các dự thảo luật. Các đại biểu Quốc hội phải chuyển tải tư tưởng, chính sách mới về cho dân và hỏi xem dân có ý kiến thế nào. Đó là trách nhiệm chứ không phải muốn thì làm và không muốn thì thôi. 

Quang cảnh hội nghị. 

Để đảm bảo dân chủ, ông Liên đề nghị phải làm rõ vai trò phản biện của MTTQ đối với các văn bản QPPL. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra dự thảo luật nên có hội nghị điều trần trước khi luật được thông qua.

Tại hội nghị này, cơ quan soạn thảo phải trả lời được các câu hỏi từ nhiều phía. Làm đươc như vậy chắc chắn chất lượng văn bản luật sẽ cao hơn, việc thực thi luật sẽ tốt hơn, từ đó tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Một vấn đề bức xúc nữa đã tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa khắc phục được và cần “phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa”, đó là tình trạng luật có rồi thì chờ nghị định, nghị định có rồi lại chờ thông tư. Và cuối cùng, khi luật có rồi nhưng nghị định chưa có (đối với những điều khoản luật yêu cầu Chính phủ phải quy định chi tiết nhưng lại chưa ban hành) thì coi như... dậm chân tại chỗ. 

Từ bất cập đó, ông Liên kiến nghị cần có quy định rõ trong điều luật: những vấn đề Quốc hội đã ủy quyền cho Chính phủ thì những quy định đó chỉ có hiệu lực khi Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn; đồng thời phải có thiết chế hành chính để siết các cơ quan của Chính phủ nhanh chóng ban hành. 

Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: 

Quyền tham gia xây dựng luật của nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Bình đẳng giới…Vì vậy phải đảm bảo thực chất quyền tham gia xây dựng văn bản QPPL của nhân dân và MTTQ. Bởi khi có sự tham gia của nhân dân thì luật mới có tính khả thi và tạo sự đồng thuận khi pháp luật được ban hành. 

Hiện nay việc tham gia góp ý của nhân dân thông qua Cổng thông tin điện tử còn rất hạn chế, thậm chí có dự thảo luật mà không có ý kiến người dân nào góp ý .Do đó, theo tôi cần có quy định bắt buộc các hình thức lấy ý kiến của nhân dân tham gia xây dựng các văn bản QPPL. Việc tiếp thu, phản hồi ý kiến góp ý của nhân dân cần được chú trọng hơn.

Đọc thêm