Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Bài cuối: 'Cái dũng' của người đảng viên trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

(PLVN) - Những tác hại của tệ nạn tham nhũng gây ra như “giặc nội xâm” làm cản trở sự phát triển của đất nước, đã và đang làm xói mòn lòng tin của Nhân dân vào sự quản lý của Nhà nước. Thực vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Trong cuộc đấu tranh này, mỗi đảng viên cần phát huy trách nhiệm tiên phong, gương mẫu và đặc biệt là “cái dũng” - sự dũng cảm, bản lĩnh và quyết tâm bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và chế độ XHCN.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. (Ảnh tư liệu: daihoi13.dangcongsan.vn)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. (Ảnh tư liệu: daihoi13.dangcongsan.vn)

Tham nhũng đe dọa an ninh xã hội, nhà nước pháp quyền

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, Bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa được đề cao. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu”.

Về chính trị, tham nhũng là sự tha hoá quyền lực xã hội, biến quyền lực - quyền uy mà tập thể, giai cấp, xã hội giao cho - thành “vũ khí” của mình nhằm trục lợi. Tham nhũng vừa là nguyên nhân, vừa là điều kiện làm cho một bộ phận cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất; bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; các chủ trương, chính sách của nhà nước bị vô hiệu hoá hoặc thực hiện không đúng. Các vấn đề do tham nhũng gây ra có thể đe dọa đến an ninh xã hội, xâm hại các thể chế và giá trị dân chủ, đến sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ chính trị. Về kinh tế, tham nhũng làm chậm nhịp độ phát triển kinh tế, phá vỡ những chiến lược và kế hoạch phát triển, gây thiệt hại vật chất rất lớn cho nhà nước và người dân; là mối đe dọa đến hiệu quả của sự hợp tác song phương và đa phương, là một trong các nguyên nhân chủ yếu kìm hãm sự phát triển của thế giới hiện đại.

Về xã hội, tham nhũng là một trong các yếu tố dẫn đến sự phân cực giàu - nghèo, bất công trong xã hội. Tham nhũng cũng làm ảnh hưởng đến các giá trị, các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Bộ Công cụ chống tham nhũng của Liên hợp quốc cho rằng, tham nhũng có khuynh hướng làm tập trung của cải, làm tăng khoảng cách giàu - nghèo, bảo vệ vị trí và lợi ích của “quan tham” bằng những biện pháp bất hợp pháp, nuôi dưỡng các hình thức phạm tội, thậm chí cả khủng bố. Ở nước ta, tham nhũng làm một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền suy thoái đạo đức, lối sống, Nhân dân bất bình, suy giảm lòng tin vào chế độ. Do vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ rõ, một trong những vấn đề cấp bách là chống tham nhũng, nếu không được giải quyết sẽ trở thành thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta.

Về văn hoá, tham nhũng là tệ nạn xã hội, là cái xấu nhiều khi được che đậy bằng những hình thức có vẻ “văn hoá” và công khai như quà tặng sinh nhật của cấp dưới dành cho cấp trên, lễ mừng tân gia của cán bộ, công chức được các doanh nghiệp tặng quà giá trị lớn... Tham nhũng dưới các biểu hiện, hình thức, trạng thái, mức độ, tính chất khác nhau đã trở thành một “cách sống” của một số người, thậm chí một “lối sống” trong xã hội. Ở nước ta, tham nhũng đã trở thành một nguy cơ văn hóa trầm trọng. Nếu coi văn hóa là phẩm giá, tổng hòa các giá trị chân - thiện - mỹ, sự hoàn thiện, phát triển và tiến bộ, thì tham nhũng làm tổn thương các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc và con người Việt Nam. Tham nhũng làm băng hoại đạo đức, là hiện thân của tham lam, độc ác, nhiều khi bất chấp cả dư luận xã hội.

Có thể thấy, tính nghiêm trọng của các vấn đề do tham nhũng gây ra có thể đe dọa sự ổn định, an ninh xã hội, xâm hại các thể chế và giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý, cản trở sự phát triển bền vững và nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng “tế bào” khỏe mạnh từ mỗi đảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn chăm lo đến công tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt là công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên. (Ảnh tư liệu: doanthanhnien.vn)

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn chăm lo đến công tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt là công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên. (Ảnh tư liệu: doanthanhnien.vn)

Thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng trong nước thời gian qua đã giúp chúng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, bổ ích, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng.

Đáng chú ý, trong công tác cán bộ, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai các chính sách, hoạt động phục vụ phòng, chống tham nhũng như: luân chuyển cán bộ, kê khai tài sản, khen thưởng thành tích và bảo vệ người chống tham nhũng, xác định trách nhiệm của người đứng đầu... Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tham nhũng là một biện pháp quan trọng để tăng cường quyết tâm chính trị của cán bộ và là cơ sở để xử lý đối với người đứng đầu. Từ thực tế, hiệu quả phòng, chống tham nhũng phụ thuộc quyết định bởi năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng, năng lực quản lý điều hành của hệ thống chính quyền các cấp và vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị. Kinh nghiệm này chỉ ra, vấn đề quan trọng hàng đầu là thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phòng, chống tham nhũng ở cấp mình. Khi năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng thường đạt hiệu quả thiết thực. Ngược lại, nếu năng lực này yếu kém, tình trạng quan liêu, tham nhũng và lãng phí thường dễ phát sinh.

Bên cạnh đó, những năm qua Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đi đôi với tăng cường mở rộng dân chủ trong Đảng, trong hoạt động của bộ máy nhà nước, nhất là coi trọng tăng cường mở rộng dân chủ ở cơ sở. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và nhiều văn bản pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và vai trò, vị trí của các tổ chức, lực lượng trong toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng là một minh chứng cho vấn đề này. Đảng và Nhà nước cũng ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn và quy chế nhằm đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, cửa quyền trong các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Có thể nói, “mẹ đẻ” của tham nhũng là chủ nghĩa cá nhân và các đơn vị cơ sở là nơi trực tiếp quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Theo đó, bản thân từng đảng viên cần quán triệt sâu sắc Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực”. Theo đó, đảng viên cần tích cực tham gia sinh hoạt đảng, nêu cao trách nhiệm trong đấu tranh tự phê bình, phê bình các biểu hiện tham nhũng và báo cáo kịp thời khi phát hiện dấu hiệu tiêu cực. Đồng thời, mỗi đảng viên phải gương mẫu trong lối sống, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, để làm gương cho gia đình và cộng đồng. Họ cũng cần kiên quyết chống lại các âm mưu lợi dụng công cuộc phòng, chống tham nhũng để xuyên tạc, bôi xấu, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ.

Trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra “đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng... Tập trung xây dựng chi bộ tốt, đảng viên tốt; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống”. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: “Phát huy cao độ vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp. Ban hành Quy định phân cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát gắn với phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng kiểm tra, giám sát để tham nhũng, tiêu cực. Tập trung chuyển đổi số trong công tác đảng; xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và Văn kiện của Đảng, kết nối từ Trung ương tới cơ sở, kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.

Như vậy, dũng khí, bản lĩnh của người đảng viên trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực là thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, từng đảng viên như các “tế bào” khỏe mạnh, mục đích xây dựng hệ thống chính trị nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Nhờ đó, từng người dân mới vững niềm tin vào Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đúng như khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cử tri và Nhân dân cứ yên tâm, Trung ương không bao giờ nhụt chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Đọc thêm