Không thương hiệu, nông sản Việt thua cả 'sân nhà' lẫn 'sân khách'

(PLO) - Là một cường quốc về xuất khẩu (XK) nông - lâm - thủy sản nhưng 80% sản phẩm nông sản XK hiện nay không có thương hiệu…  khiến giá trị xuất khẩu hàng năm của nông sản Việt Nam luôn đạt mức rất thấp và ngày càng lo đối mặt với sự “ghẻ lạnh” của người tiêu dùng. 
“Được mùa, mất giá” là thảm cảnh mà nông sản Việt luôn phải đối mặt.
“Được mùa, mất giá” là thảm cảnh mà nông sản Việt luôn phải đối mặt.

Trong khi đó, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan Nhà nước bảo hộ. Để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc phát triển thị trường, bắt tay xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản có ý nghĩa sống còn trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.  

Hai “lối mòn”

Một khảo sát của Trường Đại học ngoại thương cho thấy, 95% nông  sản XK ra thị trường nước ngoài đều dưới dạng nguyên liệu, dưới dạng thô. 9/11 Tổng công ty của Bộ NN&PTNT mặc dù có 170 mặt hàng đăng ký nhưng cũng mới chỉ có 3 thương hiệu được đăng ký ở thị trường nước ngoài. Cũng mới chỉ có 15/58 hội viên của Hiệp Hội trái cây Việt Nam được ghi nhận là có đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước.  Với một tỷ lệ như vậy, câu hỏi đặt ra, vậy số nông sản còn lại đang đi theo con đường nào? 

PGS.TS. Lê Thị Thu Hà, chuyên gia tư vấn về thương hiệu, thuộc Trường Đại học Ngoại thương cho rằng phần lớn sản phẩm nông sản Việt Nam đang chủ yếu đi theo hai con đường truyền thống: Một, từ ruộng vườn của nông dân đưa ra thẳng 8860 chợ truyền thống. Hai, đi từ Nam ra Bắc qua cửa khẩu phía Bắc để đến thị trường Trung Quốc và lcon đường này thì luôn phải đối mặt với thảm cảnh “được mùa, mất giá”.  “Có lẽ, chưa có quốc gia nào mà có số lượng chợ truyền thống nhiều như ở Việt nam. Điều đó phần nào phản ánh thói quen trong cung cách kinh doanh các sản phẩm nông sản của Việt Nam hiện nay”- TS. Hà lo ngại.   

Cũng theo vị này, nếu đứng ở góc độ XK, trong những năm qua chúng ta đạt được đến kim ngạch khá ấn tượng với 32 tỷ USD (năm 2014) nhưng 2 năm lại nay kim ngạch bắt đầu có xu hướng sụt giảm. Đáng chú ý, 5 mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, thủy sản, gỗ và cao su bắt đầu có xu hướng chững lại. 

“Nhìn vào bức tranh chung của việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, chúng ta thấy 80% đi theo 2 lối mòn này và không màng tới nhãn hiệu, cũng như chỉ dẫn địa lý. Thực tế cho thấy người tiêu dùng khó có thể tìm thấy sản phẩm nông sản Việt có dán nhãn mác trên thị trường truyền thống”- chuyên gia về xây dựng thương hiệu này nhấn mạnh. 

Đi từ trong nước đi ra

Theo nhiều chuyên gia, không chỉ thị trường trong nước mà ở cả thị trường nước ngoài, một trong những vấn đề nghiêm trọng mà nông sản Việt đang gặp phải đó chính là vấn đề không truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. 

Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, hiện nay Việt Nam đang có khoảng 900 sản phẩm nông - lâm - thủy sản gắn với 700 địa danh. Nhưng tính đến tháng 11/2016, mới có 96 đơn xin được đăng ký tới Cục này để cấp bằng bảo hộ và trong số đó chỉ mới có 48 đơn là được cơ quan chức năng chấp thuận cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.  

Theo chuyên gia thương hiệu Lê Thị Thu Hà, vì không truy xuất được nên hầu như Việt Nam chỉ bán được sản phẩm nông sản nguyên liệu. “Mỗi khi có biến động của thị trường những nhà XK nguyên liệu là những người bị ảnh hưởng đầu tiên, đồng thời sẽ kéo theo ảnh hưởng tới cuộc sống của người sản xuất,thậm chí làm mất cả niềm tin đối với người tiêu dùng”- vị này cảnh báo.  

Theo nhiều chuyên gia am tường lĩnh vực thương hiệu, mặc dù xây dựng và hoàn thiện một bộ hồ sơ về chỉ dẫn địa lý hiện nay là rất phức tạp và không phải địa phương nào cũng có tiềm lực để triển khai. Tuy nhiên, suy cho cùng việc xây dựng thương hiệu dựa vào nguồn gốc vẫn hoàn toàn có nhiều lợi thế và khác so với việc xây dựng nhãn hiệu.  

Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất từng nắm giữ những chức vụ quản lý tại các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như: Prudential, Dutch Lady, URC, Tradewind Asia, Heinz, ông đã từng diễn thuyết tại nhiều hội thảo trong và ngoài nước trong các lĩnh vực Marketing, cho rằng đến thời điểm này, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để phát triển thị trường, sau khi có thương hiệu cần xây dựng và phát triển để tăng giá trị thương hiệu. Đồng thời, cơ quan nhà nước cần phối hợp nhất quán, đặc biệt trong quá trình truyền thông để người tiêu dùng Việt Nam biết tới sản phẩm.

“Chúng ta cần phải tận dụng thị trường trong nước trước tiên. Sau đó, mới tính tới chuyện đem thương hiệu đó xuất khẩu ra nước ngoài, tránh tình trạng như thời gian qua, Nha Trang chưa kịp đăng ký thương hiệu chỉ dẫn địa lý thì nước mắm Nha Trang đi vào dĩ vãng, còn Phú Quốc mới đăng kí được thì chỉ còn vài DN sống sót”-chuyên gia này nhận xét./.

Đọc thêm