"Không tin vào chất lượng xe sản xuất ở Việt Nam"

"Tôi không tin tưởng vào chất lượng xe sản xuất ở Việt Nam. Hãy nhìn các xe thương binh, xe lam chạy trên đường mới thấy được sự không an toàn khi lưu thông. Tôi nghĩ việc độc quyền sẽ dễ quản lý chất lượng xe và bảo đảm an toàn cho hành khách",  ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, người khởi phát ý tưởng nhập xe Túc-Túc lưu hành trên đường các quận, huyện, nói.

Để hạn chế xe máy vào nội đô, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội đề xuất ý tưởng mới như sau: Đề nghị Bộ GTVT cho nhập khẩu và lưu hành loại xe 3-4 bánh (còn gọi là xe Túc-Túc) hiện được các nước Thái Lan, Ấn Độ, Singgapor đang dùng. 

Loại xe này được phép lưu hành trên đường các quận, huyện (không lưu hành trên quốc lộ), tiếp nối với các nhà chờ xe buýt. Xe hoạt động trên đường liên xã, liên huyện gom khách và đón tiễn khách tại các điểm nhà chờ xe buýt.

Ý tưởng này đã đón nhận nhiều phản hồi từ cộng đồng và nhiều người cho rằng ý tưởng này thiếu thực tế và không thể giảm được ùn tắc giao thông đô thị. Trao đổi với PLVN, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, người khởi phát ý tưởng này - cho  biết:

- Vai trò của Hiệp hội là đề xuất những ý tưởng để giảm ùn tắc giao thông ở đô thị lên Bộ GTVT. Chúng ta có quá nhiều cách làm nhưng chuyện kẹt xe, tắc  đường…vẫn không hề thuyên giảm. Xuất phát từ đề án nhằm hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy, chúng tôi mới có đề xuất trên.

- Tại sao ông lại chọn xe xe Túc-Túc, thưa ông?

- Nhiều người hiểu nhầm cứ nghĩ xe này sẽ chạy ở đô thị, trong đề xuất của chúng tôi là cho phép lưu hành loại xe này trên đường các quận, huyện (không lưu hành trên quốc lộ), tiếp nối với các nhà chờ xe buýt.

Xe máy là phương tiện đi lại khá phổ biến của người dân Việt Nam nên chưa thể hạn chế ngay được bởi nó sẽ gây ảnh hưởng tới các vấn đề về kinh tế, xã hội và nhiều vấn đề khác nữa của họ. Với mục đích hạn chế xe máy ở nông thôn vào nội đô, chúng tôi đề xuất vận chuyển hành khách công cộng từ các thôn, xóm, làng, xã, quận, huyện ra các điểm đỗ xe buýt để họ bắt xe buýt đi vào nội đô. Lợi thế thứ nhất phải kể đến của xe túc túc là chở được nhiều người.

Như ở bên Indonesia, mỗi xe túc túc có thể chở được khoảng 10 người, còn bình thường là 5 – 6 người. Kể cả trên xe chỉ có 2 người, mức tiêu thụ xăng của nó cũng chỉ tương tự như một chiếc xe máy thôi – 4,6 lít/100 km. Lợi thế thứ hai là dễ sửa chữa. Lợi thế thứ 3 là diện tích chiếm mặt đường của xe nhỏ; về tới nhà, có thể vứt nó vào xó này, xó kia được, chứ không phải “bảo quản” như ô tô. Tóm lại, xe túc túc có những ưu việt về giá thành, dễ quản lý, dễ sửa chữa.

- Trong đề xuất của Hiệp hội  chỉ có các HTX, tổ hợp mới được mua xe theo quy hoạch của các phòng kế hoạch – hạ tầng quận, huyện… Hiệp hội đề nghị với Bộ GTVT chỉ định nhà cung cấp độc quyền tại Việt Nam, cung cấp sản phẩm theo quota được nhà nước cho phép nhập khẩu theo quy hoạch... Nhiều người cho rằng đây là một “phi vụ làm ăn” hơn là việc làm cho giao thông đô thị tốt hơn, xin ông cho biết ý kiến của mình?

- Chúng tôi làm vì mong muốn một môi trường giao thông đô thị lành mạnh, an toàn và ở đây không hề có mục đích kinh doanh như nhiều người nghĩ. Đây là dự án xã hội hóa có điều kiện chứ không phải phát triển tùm lum, tự do. Nó liên quan tới giao thông nông thôn và giao thông đô thị. Vì vậy, chúng tôi cho rằng phải lập kế hoạch, tùy địa phương, nếu đường rộng và xa thì phải nhiều xe; nếu đường hẹp, gần đường quốc lộ thì mỗi xã chỉ cần vài ba xe thôi.

Khi nhập xe về, chủ sở hữu của nó phải là các đơn vị DN hoặc tập thể, chứ nếu để nhập lung tung thì sẽ chạy lung tung, gây ách tắc giao thông nên chúng tôi mới đề xuất mỗi xã chỉ có chỉ tiêu nhất định.  Liên minh HTX Hà Nội cho vay vốn từ Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể với lãi xuất hỗ trợ, để đầu tư từ xe và chỉ đạo các quận, huyện lập kế hoạch.

- Ngày 20/09/2012, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội thành lập một đoàn đi tham quan Hội chợ quốc tế ASEAN tại Quảng Châu và Thành phố công nghiệp Liễu Châu, trong đoàn có đại diện xã Dương Liễu, Mỹ Đức, Đan Phượng; chuyên gia về môi trường GTVT ....để khảo sát phương tiện và xem kỹ chất lượng, giá cả. Tại sao phải mua xe từ Trung Quốc mà trước đây chúng ta đã có xe 3 bánh, xe lam…từng chở khách và hàng hóa?

- Tôi không tin tưởng vào chất lượng xe sản xuất ở Việt Nam. Hãy nhìn các xe thương binh, xe lam chạy trên đường mới thấy được sự không an toàn khi lưu thông. Tôi nghĩ việc độc quyền sẽ dễ quản lý chất lượng xe và bảo đảm an toàn cho hành khách.

- Nếu ý tưởng này không được chấp nhận, ông tính sao?

- Trong trường hợp đề xuất đó không được chấp nhận thì chúng tôi buộc phải chấp nhận thôi.  Chúng tôi xin nhắc lại, phương tiện này chỉ phục vụ ở đường liên thôn, liên xã, liên huyện chứ không được chạy trên đường quốc lộ; trong đô thị thì tuyệt đối cấm rồi.

- Xin cảm ơn ông!

Trường Lưu (thực hiện)

Đọc thêm