Ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho rằng, trong môi trường cạnh tranh gay gắt của thương mại điện tử, chỉ có doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh mới có thể tạo được dấu ấn quan trọng.
TMĐT đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội. |
Đến thời điểm cuối năm 2012, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang phát triển khá nhanh. Nó thể hiện ở chỗ hầu hết các DN đã sử dụng email trong hoạt động kinh doanh với các mục tiêu chủ yếu là quảng bá, giới thiệu DN, trao đổi thông tin kinh doanh và chăm sóc khách hàng, hay qua các con số như 40% DN có website cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mình, 12% DN tham gia các sàn TMĐT, hoạt động kinh doanh trên các website liên tục tăng về chất lượng với 36% các website cho phép đặt hàng trực tuyến, 20% DN cho biết tham gia các sàn TMĐT mang lại hiệu quả cao. Điều này cho thấy TMĐT đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, TMĐT vẫn chưa thực sự phát triển được như mong đợi, có thể do một số nguyên nhân. Trước hết, về hạ tầng công nghệ thông tin và internet. Trong những năm qua, hạ tầng công nghệ thông tin và internet đã phát triển mạnh mẽ tạo ra sự hậu thuẫn tốt cho TMĐT phát triển. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và internet vẫn chưa được hoàn thiện và đồng bộ ở mọi nơi, mọi vùng miền.
Về khía cạnh luật pháp, đã có nhiều chính sách ra đời tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho TMĐT phát triển. TMĐT là một lĩnh vực liên quan đến nhiều hoạt động xã hội khác nhau như vận tải, giao nhận, logistic, dịch vụ… cho nên trong quá trình phát triển của TMĐT có những thời điểm hệ thống pháp luật chưa theo kịp với thực tế của hoạt động kinh doanh.
Về nguồn nhân lực, TMĐT đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Kinh doanh trên một nền tảng công nghệ cao là internet thì nguồn nhân lực là rất quan trọng, trong khi đó nguồn nhân lực của Việt Nam mặc dù có những sự phát triển vượt bậc, nhưng có thể nói vẫn chưa thích ứng với đà phát triển của TMĐT.
Để một lĩnh vực như TMĐT phát triển, cần có sự phối hợp đồng bộ của rất nhiều cơ quan đơn vị. Từ góc độ các cơ quan quản lý cần có sự quản lý và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị để ngăn chặn những thủ đoạn lợi dụng công nghệ để tiến hành những hoạt động kinh doanh trực tuyến bất chính.
TMĐT không chỉ đơn thuần là công nghệ hay là lĩnh vực hoạt động kinh doanh thuần túy, mà nó là sự pha trộn của rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với TMĐT thì ý tưởng kinh doanh là vô cùng quan trọng. Đặc biệt đối với Việt Nam không phải là nước tạo ra những sáng tạo mới nhất về công nghệ mà chúng ta là nước cố gắng khai thác tối đa những lợi thế của công nghệ để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.
Việc nắm bắt những xu hướng mới cả về công nghệ và kĩ năng kinh doanh trên môi trường trực tuyến là rất quan trọng để có thể thay đổi chiến lược kinh doanh cho phù hợp với những xu hướng phát triển mới.
Việt Anh