Khúc quanh bất ngờ của “thần tốc”

(PLO) -Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố kỷ luật và đề nghị kỷ luật đối với một loạt cán bộ lãnh đạo và từng là lãnh đạo ở các địa phương cho thấy những sai phạm trong công tác cán bộ, trở thành “điểm nóng” của dư luận trong một thời gian đã không bị bỏ qua và có những hình thức xử lý thích đáng.
Khúc quanh bất ngờ của “thần tốc”

Trong các vụ xử lý đó, đáng  chú ý nhất là việc yêu cầu thi hành kỷ luật đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh. Ông này đã được coi như là một trường hợp “bổ nhiệm thần tốc” điển hình với những ưu ái đặc biệt như đi học thạc sỹ nước ngoài bằng tiền ngân sách, trở thành Giám đốc Sở và Tỉnh ủy viên ở lứa tuổi 30, trẻ nhất nước. Giờ đây, ông đang đứng trước một án kỷ luật rất nặng: yêu cầu xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy các quyết định bổ nhiệm.  Ông Lê Phước Thanh với các sai phạm của mình, trong đó có việc bổ nhiệm con trai ông bị quy kết là “rất nghiêm trọng”.

Một vụ bổ nhiệm “thần tốc” khác là vụ bà Quỳnh Anh ở Thanh Hóa đã làm dư luận hết sức xôn xao và sau đó dư luận còn xôn xao hơn bởi cách xử lý của Thanh Hóa với hình thức mang tính chất “phủi bụi” với ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng- người đã “ưu ái, nâng đỡ thiếu trong sáng” với với bà Quỳnh Anh. Hợp lẽ công bằng, giờ thì ông đã bị kỷ luật với hình thức cao hơn, thích đáng hơn là “cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng”. Đây là gương cho những trường hợp “nâng đỡ thiếu trong sáng” khác!

Đây là hai trường hợp rất tiêu biểu trong vụ phát hiện và đề nghị xử lý kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lần này. Hai vụ có những sự tương đồng trong diễn biến, đều là “thần tốc”, đều được dư luận cả nước hết sức chú ý, vụ ở Quảng Nam thì Bộ Nội vụ sau khi kiểm tra cho là “đúng quy trình”, vụ ở Thanh Hóa thì rất chậm xử lý vụ việc và cách thức xử lý cũng hết sức nhẹ nhàng.

Xử lý những vụ việc trên đây cùng với một loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương đã xóa tan những nghi ngại có sự bao che, dung túng lẫn nhau và thể hiện một quyết tâm rất lớn của Đảng trong việc chấn chỉnh và làm trong sáng đội ngũ cán bộ nhà nước, đặc biệt là hàng ngũ lãnh đạo địa phương. Nhân dân tin tưởng và ủng hộ việc làm quyết đoán, mạnh tay này và từ nay trở đi chấm dứt sự quay trở lại của chế định “tập ấm” thời phong kiến, đồng nghĩa với việc không còn những vụ bổ nhiệm “thần tốc” nữa!

Đọc thêm