Khi dịch bệnh do virus corona chủng mới lây lan, nhu cầu bột mì tăng cao, ông phải huy động vợ, con gái và con rể cùng làm việc mới đủ đáp ứng nhu cầu người dân.
Bỏ tiền ra mua một cối xay nước cũ, ông Coustaty đã mất 15 năm kiên nhẫn lau dọn và phục hồi cỗ máy. Trước lệnh phong tỏa, mỗi tuần ông không bao giờ xay quá 20 kg ngũ cốc, và chỉ phục vụ cho một số nông dân quanh vùng muốn làm ra những chiếc bánh mì có hương vị riêng của họ.
“Khi tôi mua căn nhà, tất cả đều có sẵn ở đó, bao gồm cả trang phục của thợ làm việc ở cối xay, tuy nhiên, cối xay được cấp nước từ một nhánh nhỏ của sông Dordogne không còn được sử dụng kể từ sau chiến tranh.
Elie Coustaty trong cối xay nước thế kỷ 14 của mình ở Vézac, ở Dordogne,Pháp, ngày 27/4/2020. Ảnh: AFP |
Nói về bộ quần áo trắng dài với chiếc khăn quàng đỏ quanh cổ và đôi guốc gỗ dưới chân mà bố mình mặc, cô Marie-Rose - con gái ông, cho hay: "Đó không phải chỉ là câu chuyện văn hóa dân gian, mà ông ấy thực sự phải mặc như vậy để làm việc".
Từ khi phong tỏa, người Pháp ở nhà tự làm bánh nhiều hơn, số bột cối xay sản xuất ra cũng nhiều hơn. Doanh số bán bột đã tăng 168% so với tháng 3 năm ngoái, và lúc này gia đình Coustaty sản xuất tới 150 kg bột hữu cơ mỗi ngày.
"Do nhu cầu trong thời gian khủng hoảng vì dịch COVID-19, chúng tôi đã thực sự đưa cối xay vào hoạt động", Marie-Rose nói. Còn ông Elie thì nói với mấy khách hàng rằng họ phải tới tiệm bánh mì vì hôm nay cối xay không kịp nghiền xong bột.
Trong thời gian Dordogne áp dụng các biện pháp hạn chế để tránh lây lan virus, gia đình Coustaty không thể đáp ứng nhu cầu của những người làm bánh hữu cơ ở địa phương, vì bánh xe chỉ quay với tốc độ 60 vòng/phút không thể nào nghiền nhanh bằng máy móc công nghiệp.
"Chúng tôi là không định biến nó thành một xưởng lớn, mà mục đích là khôi phục di sản", cô Marie-Rose nói.