Trước hết là khủng hoảng thừa trong đội ngũ cán bộ viên chức. Tập hợp nhiều ý kiến khác nhau trên các diễn đàn và đều là có cơ sở thì có khoảng 30% “cắp ô”, 30% thực sự làm việc, bộ máy liên tục phình to mà không có cách nào tinh giản biên chế được. Khoảng trên 20.000 cử nhân, thạc sỹ không có việc làm trong khi các trường đại học mở ra liên tục, liên tục chiêu sinh để tiếp tục bổ sung vào đội ngũ có trình độ học vấn nhưng vô nghề nghiệp. 24.000 tiến sỹ và 9 tỷ cho một bài báo khoa học nhưng các lò đào tạo tiến sỹ vẫn tiếp tục cho ra lò sản phẩm của mình.
Phấn đấu để trở thành một nước công nghiệp hóa mà rất nhiều nhà máy xây dựng dở dang, hoạt động cầm chừng và cứ tiếp tục xây dựng thêm. Có thừa nhà máy nhưng từ cái đinh ốc cũng phải nhập ngoại, hàng hóa, vật dụng cũng vậy. “Đất vàng” cũng thừa thãi và bỏ hoang hàng chục năm không khai thác. Bất động sản với những căn biệt thự, chung cư không người ở thừa rất nhiều, bán không được, trong khi chỗ ở của nhiều người dân đang là vấn đề cấp bách.
Chúng ta thiếu tiền lương để trả cho một đội ngũ thừa ra nhiều người và công sản cũng thừa thãi để phục vụ cho đội ngũ đó. Kiểm tra một lĩnh vực nhỏ là mua sắm và sử dụng xe công thôi mà ngành nào, cơ quan nào, đơn vị nào cũng thừa xe so với quy định.
Thừa về số lượng, vượt giá quy định, trang bị xe công cho cả các đối tượng không được hưởng tiêu chuẩn xe công, dùng tiền phạt giao thông để mua xe đắt tiền “tặng” nhau, dùng xe công để vi vu việc riêng,...
Nhiều địa phương sau khi xây dựng trung tâm hành chính hàng nghìn tỷ thì rất nhiều công sở thừa ra chẳng biết để làm gì và các địa phương khác noi gương đó ra sức xây dựng những trung tâm hành chính mới mà không phục vụ được gì cho công cuộc cải cách hành chính cả.
Có sự khủng hoảng thừa rất vô lý, không ai tin được, đó là thừa chức danh phó chủ tịch cấp xã, Nghệ An thừa gần 200 người, tỉnh kề bên là Thanh Hóa thừa 140 người. Chỉ 2 tỉnh miền Trung thôi đã thừa như vậy thì cả nước thừa ra bao nhiêu phó chủ tịch xã? Ngân sách nào nuôi cho đủ đội ngũ “thừa gia” này!
Khủng hoảng thừa ở đất nước thiếu nhiều thứ, đặc biệt là tiền thì không dừng lại ở mức nghịch lý nữa mà đó là tai họa. Chính phủ đã nhận ra điều này và kiên quyết khắc phục tình trạng đưa đất nước tụt hậu này. Thà rằng cứ khủng hoảng thiếu thì người dân còn chấp nhận được và bao giờ giải quyết khủng hoảng thiếu cũng dễ hơn việc khắc phục hậu quả của khủng hoảng thừa!