Cách thế giới cứu khủng hoảng truyền thông

(PLO) -Khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra ở mọi nơi, từ một cá nhân cho đến một dân tộc, quốc gia đều có thể phải đối mặt với nó. Còn nhớ vụ watergate chấn động những năm 1972 đến 1974 trên chính trường Mỹ khiến cho Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Gần đây thế giới liên tục chứng kiến các sự việc rò rỉ thông tin, gây chấn động và khủng hoảng truyền thông xuyên quốc gia, làm nhiều người “điêu đứng” về các thông tin bị che đậy hay bảo mật vì những quyền lợi ích kỷ. 
Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa

Vụ Snowden lại một lần nữa làm chấn động nước Mỹ, hơn thế nữa làm rạn nứt quan hệ giữa Mỹ và Nga khi Nga đồng ý cho Snowden tị nạn tại đây. Cựu nhân viên kỹ thuật hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) và cựu nhân viên chính thức của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) này đã cung cấp những bí mật hàng đầu của chính phủ Mỹ và Anh cho giới báo chí về những chương trình theo dõi người dân.

Theo tiết lộ của Snowden,  toàn bộ hệ thống máy chủ của các tập đoàn truyền thông lớn như Verizon, Microsoft, Google, Facebook, Apple, Yahoo, PalTalk, Skype, YouTube… đã bị cơ quan an ninh quốc gia (NSA) Mỹ trực tiếp xâm nhập nhằm kiểm tra các đoạn phim, ảnh, tư liệu của người sử dụng, kể cả công dân Mỹ và công dân các nước khác trên thế giới. Chương trình này được NSA gọi tên là “PRISM” và bắt đầu tiến hành từ năm 2007.

Mới đây, thế giới lại một lần nữa rúng động bởi các tài liệu được gửi đến các nhà báo điều tra, hồ sơ Panama. Tập hồ sơ gồm 11,5 triệu tài liệu, hoặc 2,6 terabyte dữ liệu được một nguồn tin giấu tên cung cấp cho tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung hơn một năm trước.

Thông tin được lấy từ công ty Mossack Fonseca, hãng luật lớn thứ tư thế giới. Hồ sơ tiết lộ rằng 215.000 công ty vỏ bọc nước ngoài và 14.153 khách hàng có mối liên hệ với Mossack Foseca. 143 chính trị gia, trong đó có 12 lãnh đạo chính trị cấp cao, cùng gia đình và phụ tá thân cận của họ dùng các công ty vỏ bọc để trốn thuế, che giấu số tài sản khổng lồ.

Nhiều chính trị gia, người nổi tiếng, công ty, doanh nhân có mặt trong Hồ sơ Panama này, trong đó cả những cái tên đến từ Việt Nam.

Ở trong nước, từ vụ cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh cũng đã dấy lên hàng loạt hệ lụy khi thông tin được “đồn đoán” nguyên nhân cá chết là “thế nọ, thế kia”, khi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chậm chạm. Xử ký khủng hoảng thiếu chuyên nghiệp đã dẫn đến các hiệu ứng xã hội không đáng có.

Còn hiện tại, một “hồ sơ Panama” được “sản xuất” bởi một facebooker có tên Trần Ngọc Nga cũng đang làm cho dư luận choáng váng, “làng báo” xôn xao vì những cáo buộc, đồn đoán báo chí nhận hối lộ hàng tỷ đồng để “bảo kê” cho sản phẩm nhiễm chì C2 và Rồng đỏ.

Những tên báo và tên người đã được tung ra. Nhiều báo phản hồi vì cho rằng đó là hành vi vu vạ, làm nhục. Trắng đen đang dần được hé lộ vì một màn kịch truyền thông đang được các cơ quan chức năng làm rõ. 

Nhưng tất cả các vụ việc nói trên đều chung một xuất phát điểm: Minh bạch thông tin. Khi công chúng tiếp cận thông tin một cách mù mờ, thì đồn đoán và nghi kỵ dẫn đến niềm tin bị xói mòn. Và khủng hoảng chỉ có thể được xử lý khi niềm tin được lấy lại bởi sự công khai, minh bạch.

Và đây là liều thuốc chữa bệnh duy nhất và có hiệu quả nhất cho mọi cuộc khủng hoảng truyền thông. Và nó  còn là một thứ vaccine hiệu quả để phòng bệnh: Nếu không muốn khủng hoảng thì mọi thứ đều phải được trở nên minh bạch.

Đọc thêm