Phát biểu chỉ đạo, ông Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ tầm quan trọng của hội thảo là xây dựng khung pháp lý để thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1255 phê duyệt: “Đề thực hiện khung pháp lý để quản lý tài sản ảo, tiền ảo...”. Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tiền ảo, tiền điện tử ở Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư trong và ngoài nước cùng đông đảo cán bộ tư pháp tại phía Nam. Nhiều vấn đề quan trọng trong quản lý, điều hành tiền ảo, tiền điện tử của các nước đã được nêu ra thảo luận sôi nổi để đưa ra những kinh nghiệm thực tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Huỳnh Phương Thảo cho biết: Tiền ảo hay tiền điện tử (tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số) nói chung, hay Bitcoin nói riêng thì tình trạng pháp lý của tiền ảo đang thay đổi đáng kể từ nước này sang nước khác và vẫn chưa được định nghĩa hoặc thay đổi ở nhiều quốc gia.
Cũng theo Luật sư Thảo, thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng 4.0 với những thay đổi bứt phá mạnh mẽ trên nền tảng khoa học và công nghệ, nhiều thành tựu, phát minh khoa học đã và đang làm thay đổi các phương thức quản trị, mô hình vận hành kinh tế truyền thống. Do đó, xây dựng khung pháp lý cho tiền ảo tại Việt Nam là rất quan trọng.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội mà còn cho thấy khả năng giải quyết các thách thức trước đây chưa có lời giải. Nếu tận dụng tốt, đây thực sự là thời cơ tạo các đột phá về phát triển kinh tế - xã hội đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị, lợi ích mang lại cho nhân loại, cách mạng 4.0 tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, tác động đến không chỉ người dân, doanh nghiệp, mà còn đặt ra bài toán khó, nhiều ẩn số đối với cơ quan quản lý nhà nước. Trong hoạch định chính sách nhà nước, xây dựng hành lang pháp lý minh bạch. Hiệu lực, hiệu quả, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Về bản chất, hầu hết các loại tiền ảo đều được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (Blockchain), đây là công nghệ được đánh giá là nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Được kỳ vọng ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, y tế… trong đó tiền ảo là một trong các ứng dụng của công nghệ này.
Theo Luật sư Otto Manfred (Công ty Luật Duan Morris), kết quả nghiên cứu cho thấy, thế giới hiện chưa hình thành khung pháp lý thống nhất để quản lý, xử lý tiền ảo. Tùy thuộc vào mỗi quốc gia có 3 xu hướng xây dựng khung pháp lý về tiền ảo. Cụ thể: Thứ nhất: Cấm sử dụng giao dịch tiền ảo (Trung Quốc, Algeria). Hai là: Cho phép sử dụng, giao dịch tiền ảo và quản lý chặt các trung gian giao dịch tiền ảo (Nhật Bản, Singapore...). Ba là: Chưa có quan điểm chính thức nhưng Chính phủ, Quốc hội một số nước đã và đang thực hiện nghiên cứu, điều trần về bản chất, vai trò, khung pháp lý đối với loại hình tiền ảo. Đồng thời đưa ra các cảnh báo đầu tư, kinh doanh tiền ảo như (Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Úc).
Đối với Việt Nam, thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo – Quốc gia khởi nghiệp, tận dụng tối đa các ưu thế công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt ra nhiệm vụ xây dựng khung pháp lý quản lý tiền ảo, tài sản ảo cần bảo đảm việc kiểm soát phòng ngừa lạm dụng phục vụ cho các hoạt động phòng chống tội phạm như rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận thương mại.
Do đó, chủ trương xây dựng khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam của Chính phủ hoàn toàn hợp lý, kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển của nước ta và các nước trên thế giới - Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định.