* Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Tính từ đầu năm tới ngày 28/4, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 26 doanh nghiệp giải thể và 30 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Cùng với chính quyền địa phương, ngành ngân hàng, ngành thuế đã triển khai các gói hỗ trợ tín dụng cho khách hàng hay gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất… nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu tiếp nhận và phúc đáp những phản ánh về các vấn đề khó khăn cùng kiến nghị từ phía các doanh nghiệp. Vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp.
Nguyên nhân là do đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ còn hạn chế; quy định doanh nghiệp phải có trên 50% lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm nghỉ việc mới được xem xét tạm dừng đóng bảo hiểm bắt buộc; quy định chỉ xem xét việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp và gia hạn nộp tiền thuê đất chứ thực tế doanh nghiệp không phải trả trước thì vẫn phải trả sau…
Sóc Trăng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có chính sách giảm thuế suất và miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp; đồng thời, xem xét các trường hợp có từ 30-50% lao động nghỉ việc cũng được giãn nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ngoài ra, cần có chính sách giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian doanh nghiệp tạm dừng hoặc phải giảm quy mô sản xuất. Tỉnh mong muốn Chính phủ nên tạo cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ chênh lệch lãi suất để doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng bao tiêu sản phẩm và người dân yên tâm sản xuất, có nguồn nguyên liệu ổn định để phục vụ chế biến xuất khẩu.
* Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô rất quan tâm về những thông tin diễn biến hiện nay của dịch bệnh và không khỏi lo lắng trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh đang ảnh hưởng tới mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và đầu tư trong nước.
Ngành du lịch là lĩnh vực kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất; kế đó là các ngành sản xuất công nghiệp như may mặc, máy móc thiết bị điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải… Đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay các đơn vị sản xuất chịu phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp Thủ đô cũng phản ánh về tình hình khó khăn liên quan tới các thủ tục hành chính, về quản lý thuế và hải quan, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu…Trước thực tế đó, Hiệp hội đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID–19.
Cụ thể như, đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, cắt giảm hiệu quả các thủ tục chuyên ngành nhất là các thủ tục đầu tư xây dựng, các dự án hiện nay vướng mắc nhiều và cũng qua nhiều năm chưa tháo gỡ được, muốn doanh nghiệp phát triển đòi hỏi bộ máy quản lý Nhà nước cũng phải đổi mới từ gốc đến ngọn.
Để các doanh nghiệp có cơ hội tăng năng suất, mở rộng quy mô và năng lực khi một số doanh nghiệp đã có thị trường, Nhà nước cần tạo cơ hội về mặt bằng vì hiện nay các doanh nghiệp rất thiếu mặt bằng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, tháo gỡ kịp thời những khúc mắc về mặt bằng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp có thể sớm sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, xây dựng các cụm công nghiệp ở các huyện là rất thiết thực, thuận tiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tính toán để xây dựng Bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm của các doanh nghiệp và hướng dẫn kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp.
* Bà Virginia B.Foote, Chủ tịch quốc gia Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham): Về việc thực hiện nhiệm vụ kép của Chính phủ Việt Nam, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân, vừa hỗ trợ, bảo vệ các doanh nghiệp, ngăn chặn sự sụp đổ về kinh tế, tôi đánh giá cao những nỗ lực và phản ứng kịp thời của Chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Tại Việt Nam, cảm giác an toàn đã quay trở lại, cộng đồng doanh nghiệp hết sức ngưỡng mộ. AmCham cũng hoan nghênh sự mở cửa trở lại của các hoạt động kinh doanh và kinh tế nói chung; đặc biệt là các gói hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế áp dụng cho các ngành, lĩnh vực được cho là chịu ảnh hưởng lớn như vận tải hành khách, lưu trú du lịch, nhà hàng, khách sạn...
Tuy nhiên, theo AmCham, Chính phủ nên bổ sung một số lĩnh vực kinh doanh khác vào danh sách những ngành kinh tế được áp dụng các chính sách hỗ trợ như ngành công nghệ chế biến đồ uống, thực phẩm chức năng...
Bên cạnh đó, Chính phủ nên xem xét hiệu quả của các gói hỗ trợ khác nhau như việc hoãn nộp một số loại thuế và bảo hiểm sẽ có lợi cho một số doanh nghiệp và cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ để giúp họ có thể tồn tại qua thời điểm khó khăn này.
AmCham Việt Nam cũng nhận được một số ý kiến từ doanh nghiệp khi cho rằng không thể tiếp cận được các khoản vay lãi suất thấp theo gói hỗ trợ vay của Chính phủ. với lý do từ chối là lo ngại về khả năng trả nợ của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ không thể hồi phục dòng tiền trong thời gian ngắn vì sự đình trệ của nhu cầu tiêu dùng. AmCham hy vọng những khó khăn trên sẽ sớm được giải quyết.
Để có thể củng cố vị thế là điểm đến thu hút đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới, AmCham cho rằng, Chính phủ cần tận dụng cơ hội để tăng tốc và thúc đẩy việc triển khai, sử dụng Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, công nghệ áp dụng trong ngành tài chính, điện toán đám mây hiện đại và giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt đối với doanh nghiệp.
Song song đó, một số vấn đề liên quan tới những vướng mắc, trở ngại hạn chế đầu tư nước ngoài thì các khung khổ pháp lý của luật quản lý kinh doanh cùng các thủ tục hành chính nặng nề cần phải được xem xét cẩn thận, nới lỏng một cách có chọn lọc để khuyến khích đầu tư nước ngoài và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
* Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia. Đây cũng chính là yếu tố quyết định sự thành bại của nền kinh tế Việt Nam.
Tôi kiến nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia về nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới, đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với "đại bản doanh" của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.
Nhà nước kiến tạo song hành với cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo và có trách nhiệm xã hội sẽ là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên. VCCI sẵn sàng cùng các bộ ngành, các hiệp hội xây dựng và triển khai chương trình quan trọng này.
* Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải: Các biện pháp phục hồi kinh tế cũng như điều hành của Chính phủ lúc này cần có sự cân nhắc hài hòa giữa việc giải quyết khó khăn trước mắt với những nguyên tắc của thị trường nhằm giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn mà còn khuyến khích tinh thần đổi mới với mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và phù hợp với xu hướng kinh tế thị trường của thế giới.
Việc điều hành của Chính phủ cùng các bộ, ngành để phục hồi nền kinh tế theo tôi nên tập trung cao độ, đồng lòng quyết tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương như chiến dịch phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua.
Chính phủ cũng nên sớm nới lỏng chính sách với Lào, Campuchia để các doanh nghiệp hai bên tiếp tục mở rộng hợp, sớm tái mở cửa với các nước có nguy cơ dịch bệnh thấp, ưu tiên mở cửa khẩu đường bộ sớm hơn để phục vụ giao thương và sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nước bạn;
Hiện nay, Thaco đang có hai dự án lớn đã có chủ trương đầu tư từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai là luồng tàu để đón tàu 5 vạn tấn và Quốc lộ 14A nối từ cao tốc Quảng Ngãi đến Tp. Hồ Chí Minh với chiều dài 70km đang xuống cấp.
Với tính cấp thiết và trên tinh thần xúc tiến kinh doanh phục vụ nền kinh tế, đón đầu sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, phát triển nông lâm nghiệp miền Trung-Tây Nguyên, Thaco xin chủ trương đầu tư từ phía Chính phủ để được ứng vốn tiếp tục thực hiện; cũng như cơ chế tạo nguồn thu để hoàn vốn theo đúng quy định của pháp luật.
* Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel: Theo tôi, Chính phủ nên tận dụng ngay cơ hội, triển khai chiến dịch truyền thông “Việt Nam điểm đến an toàn” để xúc tiến, quảng bá khách du lịch. Thị trường đã chuyển sang giai đọan mới và có sự hồi phục nhất định nên việc giữ nguồn khách du lịch vào Việt Nam vào quý IV nhất là từ các thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc)... là cần thiết.
Tại các địa bàn nơi có điểm du lịch, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương nên nghiên cứu áp dụng giảm 50% chi phí tham quan, tạo cú hích thu hút khách du lịch tới đây. Chính phủ nên xem xét việc chọn lọc mở lại đường bay trong nước, sớm bỏ các hạn chế như hiện nay. Bởi 85% sự di chuyển du lịch là từ hàng không. Ngoài ra, doanh nghiệp đề xuất có chọn lọc mở các tuyến du lịch quốc tế với thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Lào...
Doanh nghiệp kỳ vọng, Chính phủ giúp ngành du lịch tiếp cận ngay gói cứu trợ về giải quyết bảo hiểm xã hội và đưa về đầu mối doanh nghiệp, thay vì địa phương. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét việc cho áp dụng cơ chế ưu đãi (như đã từng áp dụng năm 2002 - 2003) giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp xuống từ 5-10% trong 1 năm để giúp ngành du lịch phục hồi.
Đồng thời, tiếp tục áp dụng chính sách điện theo giá sản xuất như thời gian vừa qua và đánh giá tác động của việc áp dụng giá điện sản xuất đối với ngành du lịch, đặc biệt là các điểm lưu trú, điểm tham quan. Đây là một trong những khó khăn hiện nay của hệ thống dịch vụ, nhất là giữa hàng không và du lịch, lữ hành.
Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng tại các địa phương cần vào cuộc, với vai trò trung gian, kết nối việc chuyển nợ, giúp các đơn vị lữ hành lấy lại nguồn tiền đã chuyển cho ngành hàng không, để quay lại nghiên cứu, phát triển thị trường, phục hồi kinh doanh...