Khuyến khích tinh thần 'dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới' trong toàn xã hội

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, người Việt Nam có 2 sức mạnh quan trọng: Tư duy STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) tốt nên làm khoa học và công nghệ tốt; năng lực vận dụng tốt nên làm đổi mới sáng tạo (ĐMST) tốt. Đây đều là những năng lực cốt lõi của thời Khoa học, Công nghệ (KHCN), ĐMST, Chuyển đổi số (CĐS)...
Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Lễ hướng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới. (Ảnh: MOST)

Khơi dậy tinh thần sáng tạo toàn dân trong kỷ nguyên số

Tại Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025 diễn ra chiều 21/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, với Việt Nam, Ngày Sáng tạo và Đổi mới 21/4 không chỉ là ngày của nhà khoa học hay doanh nghiệp công nghệ, mà là ngày để tôn vinh tư duy sáng tạo của mọi người trong mọi ngành, mọi lĩnh vực (nông dân cải tiến máy móc nông nghiệp, học sinh tạo ra sản phẩm học tập), khuyến khích tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới” trong toàn xã hội, kết nối sáng tạo và đổi mới với phát triển bền vững.

Các nước đi sau buộc phải nhảy cóc công nghệ; Tiếp thu công nghệ sẵn có, rồi cải tiến, tái tạo, ứng dụng sáng tạo theo ngữ cảnh địa phương; ĐMST cho phép sáng tạo trong điều kiện hạn chế, rất phù hợp với bối cảnh của các nước đang phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan toả.

Ngày 21/4 vừa là Ngày Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu vừa cũng là Ngày Văn hoá ĐMST Việt Nam. Việt Nam không chỉ phát triển KHCN, mà còn nuôi dưỡng một nền văn hoá ĐMST toàn dân. Khơi dậy tinh thần sáng tạo toàn dân trong kỷ nguyên số, mở rộng ĐMST ra ngoài phòng thí nghiệm tới doanh nghiệp, trường học, công sở, cộng đồng và địa phương. Mỗi năm đến dịp này, chúng ta sẽ tổ chức Tuần lễ ĐMST, phát động phong trào “Mỗi người dân một ý tưởng cải tiến, mỗi cán bộ công viên chức đổi mới từ việc nhỏ nhất”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Xây dựng văn hoá ĐMST toàn dân sẽ là cốt lõi tạo nên thành công của công cuộc đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS của Việt Nam mà Trung ương Đảng, mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động”.

Trong bối cảnh cả nước đang tập trung, quyết liệt triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và nhân dân trong việc thúc đẩy hoạt động ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, việc tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới có ý nghĩa lớn.

Chỉ 10% nữ giới mong muốn theo đuổi các ngành nghề STEM ở Việt Nam

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay tỷ lệ nữ giới mong muốn theo đuổi các ngành nghề STEM ở Việt Nam hiện chỉ đạt 10%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 24% ở nam giới.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam. (Ảnh: MOST)

Bà Tamesis cũng chỉ ra một số khoảng cách đáng chú ý khác trong bối cảnh chuyển đổi số của Việt Nam. Cụ thể, ở khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân sử dụng internet thấp hơn 10% so với khu vực đô thị. Đáng chú ý, tại các vùng sâu vùng xa, tỷ lệ phụ nữ sở hữu điện thoại thông minh thấp hơn tới 26% so với nam giới.

Tuy nhiên, Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là ưu tiên chiến lược hàng đầu, thể hiện qua Nghị quyết 57 và cam kết dành 3% ngân sách quốc gia cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện nền kinh tế số Việt Nam chiếm 18,3% GDP và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, cùng với độ phủ sóng băng thông rộng gần như toàn dân và sự phát triển nhanh chóng của mạng 5G.

Đại diện Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới một cách táo bạo nhưng có trách nhiệm, đồng thời kêu gọi kết nối con người chứ không chỉ thiết bị. Bà Tamesis khuyến nghị Việt Nam cùng nhau xây dựng một văn hóa mà ở đó đổi mới và sáng tạo trở thành lối sống của mỗi cá nhân và tổ chức. Điều này bao gồm việc tạo ra một môi trường khuyến khích các ý tưởng mới, tôn vinh sự sáng tạo và tích hợp tư duy đổi mới vào các hoạt động hàng ngày, nhằm thúc đẩy tiến bộ và làm phong phú cộng đồng.

Năm 2025 là năm thứ tư Bộ KH&CN tổ chức Lễ hướng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới, với mục tiêu: Tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng và toàn xã hội cùng chung tay thúc đẩy hoạt động ĐMST; Tạo dựng văn hoá ĐMST trong toàn xã hội; nâng cao nhận thức về vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người;

Thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, để KHCN trở thành lực kéo của nền kinh tế, ĐMST là động lực chính của tăng trưởng, CĐS là công cụ chiến lược nâng cao năng lực ĐMST quốc gia; Thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, tăng cường kết nối giữa khu vực doanh nghiệp - nhà nước - viện/trường - startup - nhà đầu tư - cộng đồng với vai trò của các nền tảng số kết nối cung - cầu công nghệ, chuyên gia - ý tưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại khu triển lãm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025. (Ảnh: BTC)

Chủ đề hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025: “Đổi mới sáng tạo - Nghĩ khác, Làm khác để tốt hơn”; “Đổi mới sáng tạo - Doanh nghiệp tiên phong - Quốc gia thịnh vượng”; “Đổi mới sáng tạo toàn dân - Chuyển đổi số toàn diện - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Trong khuôn khổ buổi Lễ, các câu chuyện về đổi mới sáng tạo sẽ được chia sẻ đến từ đại diện các doanh nghiệp và thông qua phóng sự về đổi mới sáng tạo; các cơ quan, đơn vị sẽ phát động chuỗi các nhiệm vụ, hoạt động cần triển khai trong thời gian tới nhằm thúc đẩy mạnh mẽ ĐMST trong mọi cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Đọc thêm