Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với mục tiêu tạo ra bệ phóng, nơi ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng và kết nối nguồn lực để giúp các doanh nghiệp trẻ có thể xây dựng nền tảng vững chắc phát triển hơn trong tương lai, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp.
Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra bệ phóng, nơi ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra bệ phóng, nơi ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Chiều 17/4/2024, Viện Nghiên cứu khởi nghiệp chính thức ra mắt nhằm thực hiện sứ mệnh gắn kết để Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững.

Tại Lễ ra mắt, Tiến sỹ Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia nhấn mạnh tinh thần khởi nghiệp đang phát triển một cách mạnh mẽ tại Việt Nam. Nhìn lại quá trình mười năm trước, nền kinh tế đón nhận trung bình mỗi năm khoảng 50.000-60.000 doanh nghiệp mới ra đời, nhưng sang đến năm 2023, con số này đã lên tới gần 200.000 doanh nghiệp mới được thành lập. “Điều này cho thấy khát khao trưởng thành, phát triển của những người khởi nghiệp tại Việt Nam”, ông Hòa chia sẻ.

TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Thu nhập trung bình là kẻ thù của phát triển. Đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình là sứ mệnh lớn lao của tuổi trẻ và khởi nghiệp chính là cơ hội để thực hiện cải cách.

“Khởi nghiệp đang dẫn dắt làn sóng cải cách lần thứ hai. Nếu như trước đây cải cách lần một là tạo công ăn việc làm, đưa đất nước thoát nghèo thì làn sóng thứ hai của cải cách chính là đổi mới sáng tạo gắn với nền tri thức hiện đại. Khởi nghiệp là hành trình dài, bền vững để tạo nguyên khí cho quốc gia”, ông Lộc nói.

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khởi nghiệp, khởi nghiệp là đối tượng của khoa học và phải được thực hiện lâu dài, bền vững chứ không thể là phong trào mang tính chất thời vụ. “Khởi nghiệp không chỉ là bắt đầu mà còn là cả quá trình và trọng tâm là con người, từ đó cung cấp cho người khởi nghiệp một hành trang khoa học đầy đủ, toàn diện. Chính vì vậy, yếu tố đầu tiên của khởi nghiệp là nghiên cứu khoa học, do vậy, khởi nghiệp cũng phải gắn liền với yếu tố quan trọng thứ hai là đào tạo cùng nhiều yếu tố quan trọng khác” - PGS TS Đinh Xuân Dũng nói.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn An Thịnh, trưởng Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khung chỉ số Khởi nghiệp Quốc gia có mục tiêu cung cấp “bức tranh” toàn cảnh về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đó, báo cáo góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mục đích khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ và thu hút sự tham gia của các bên liên quan vào hệ sinh thái khởi nghiệp đồng thời thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Thêm vào đó, báo cáo hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo quốc gia,” ông Thịnh nói.

Trong khuôn khổ buổi Lễ, Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp đã ký kết hợp tác với các đối tác. Là một trong các đối tác Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ứng dụng và phát triển giải pháp đa thương toàn cầu (GBA) Nguyễn Thị Lụa chia sẻ, Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp ra đời là một hoạt động hết sức ý nghĩa với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài mục tiêu kết nối giúp doanh nghiệp phát triển, theo lộ trình, Viện sẽ kết nối với các trường Đại học và các dự án khởi nghiệp nhằm đồng hành, giúp các bạn sinh viên, người trẻ trang bị các kỹ năng về khởi nghiệp.

Tại sự kiện, Viện nghiên cứu Khởi nghiệp lần đầu tiên giới thiệu Báo cáo Khung chỉ số thúc đẩy Khởi nghiệp Quốc gia đồng thời công bố Đại hội Công nghiệp Dược liệu và Thẩm mỹ Quốc gia lần thứ hai, tại Quảng Nam năm 2024.

Đại hội Công nghiệp Dược liệu và Thẩm mỹ Quốc gia lần thứ II được tổ chức tại Quảng Nam, không chỉ là ngày hội cho những người làm trong ngành làm đẹp, sức khỏe và dinh dưỡng, mà Đại hội còn tổ chức nhiều các phòng hội thảo chuyên môn sâu để các chuyên gia về thẩm mỹ và kinh doanh chia sẻ kiến thức, công nghệ và kỹ thuật thẩm mỹ mới nhất và chiến lược kinh doanh, marketing, xử lý khủng hoảng truyền thông…

Trong chuỗi các chương trình tại Đại hội sẽ diễn ra các hoạt động như: Các Diễn đàn, hội thảo như Diễn đàn kết nối đầu tư, thương mại điện tử trên nền tảng số và những câu chuyện khởi nghiệp ngành thẩm mỹ; Hội nghị Thượng đỉnh Công nghiệp Dược liệu và Thẩm mỹ Quốc gia...

Hoạt động giao lưu tay nghề ngành thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp, tìm kiếm các tài năng khởi nghiệp kinh doanh ngành thẩm mỹ, chuyển giao khoa học công nghệ trong ngành làm đẹp giúp phát triển doanh nghiệp trong ngành thẩm mỹ, đồng thời kết nối thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thẩm mỹ của Việt Nam…

Đọc thêm