Theo báo cáo tại cuộc họp, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, những kết quả triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, chẳng hạn như chưa có quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập; Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 có một số nội dung chưa bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật…
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy cũng như công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành.
Trong đó, để bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện, Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác cai nghiện bắt buộc, hỗ trợ kinh phí cho công tác cai nghiện tự nguyện và điều trị thay thế. Đồng thời có những chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào công tác cai nghiện.
Bên cạnh đó, dự thảo không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, vì thực tế biện pháp này không đủ nguồn lực về con người, vật chất và không hiệu quả. Những năm gần đây, nhiều địa phương không triển khai thực hiện được hoặc thực hiện mang tính hình thức. Do vậy, dự thảo bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân theo hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa các cơ sở đối với người nghiện. Thời gian cai nghiện thực hiện theo thỏa thuận giữa người nghiện, gia đình người nghiện với cơ sở cai nghiện, nhưng thời gian tối thiểu là 6 tháng.
Dự thảo cũng sửa đổi các quy định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Theo đó, việc tiến hành cai nghiện tại gia đình, cộng đồng do cơ quan chuyên môn thực hiện (đơn vị cung cấp dịch vụ Y tế, xã hội, các điểm vệ tinh của cơ sở cai nghiện) với sự tham gia phối hợp của gia đình, các tổ chức xã hội tại cộng đồng dân cư. Giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ trên cơ sở các cơ quan Y tế, xã hội sẵn có của địa phương, đáp ứng nhu cầu cai nghiện tại gia đình, cộng đồng của địa phương.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị một số quy định mới so với các chính sách đã nêu như xử lý tiền chất, xử lý ma túy tiền chất, thuốc gây nghiện… cần được đánh giá kỹ lưỡng trong báo cáo đánh giá tác động. Về phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng yêu cầu phải có các quy định phù hợp với các biện pháp phòng, chống ma túy như tuyên truyền, phổ biến về chính sách và các biện pháp phòng, chống ma túy, các hoạt động khác gắn với trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, nhà trường.
Để đảm bảo tính đồng bộ và xử lý các vấn đề liên quan đến ma túy trong tình hình mới, Thứ trưởng đề nghị rà soát quy định của các dự thảo này với các dự thảo khác có quy định xử lý người sử dụng ma túy trái phép, người nghiện ma túy như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống HIV/AIDS…