Hà Nội yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của thành phố... Phải nói rằng, việc “mở cửa” trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội, dẫu là trong “điều kiện 15” là một thành công lớn của Hà Nội.
Để đưa Hà Nội và sắp tới là các tỉnh/thành phố thực hiện giãn cách xã hội về trạng thái bình thường mới, thời gian qua các địa phương đã thần tốc xét nghiệm, coi đó là yếu tố then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam), các địa phương đã rốt ráo xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn, sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ “phủ sóng” vaccine. Hà Nội và TP.HCM tiêm vaccine mũi 1 cho người dân đều đã đạt trên 95% dân số.
Đó là cuộc “ra quân” chưa từng có của cả hệ thống chính trị, là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, đấu tranh ngay cả với các hành vi trốn cách ly, làm giả giấy tờ thông chốt... và “chém gió” vô trách nhiệm, bình luận vô cảm trên mạng xã hội.
Bối cảnh dịch bệnh đã thay đổi, “giai đoạn 4” của dịch COVID-19 buộc chúng ta phải học cách thích nghi, không thể tiếp tục “khoanh vùng, truy vết”. Các công cụ chống dịch, mấu chốt là vaccine đã được triển khai. Sự thay đổi quan trọng nhất là quan điểm về “Zero Covid”. Từ chỗ chúng ta kiên trì với tư duy “Zero Covid” thì bây giờ chúng ta đều đã hiểu với nhau rằng, “Zero Covid” là không khả thi, nhất là trong điều kiện dịch đã ngấm sâu và lan rộng, không biết đâu là F0.
Trên thế giới, ngay cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cao nhất, ngay cả một số quốc gia kiên định với “Zero Covid” giờ đây cũng phải thừa nhận điều ấy là bất khả thi. Phải học cách “sống chung” cùng với Sars-CoV-2, bằng thành tựu của khoa học về dịch tễ, công nghệ thông tin và phương pháp quản trị quốc gia trong “môi trường COVID-19”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.
Điều đáng quan tâm hiện nay là “kịch bản” sống chung với COVID-19 thay vì đóng cửa, giãn cách như lâu nay. Các nước trên thế giới đã tái khởi động theo hướng này. Nới lỏng nhưng vẫn phải an toàn, linh hoạt, thích ứng hơn với điều kiện mới, đây là bài toán phải có lời giải. Mở cửa lại nền kinh tế cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch, thống nhất, có bộ tiêu chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước, bảo đảm an toàn, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả.