Kịch chuyển thế từ “sách hot” quá mức, sẽ nhàm chán

 2 năm trở lại đây, hàng loạt vở kịch ăn khách ở sân khấu phía Nam là những vở kịch c huyển thể từ các tác phẩm văn học đang được độc giả đón nhận. Điều này đáng để mừng, song cũng chứa đựng những nguy cơ gây nhàm chán cho thị hiếu người xem, khi quá nhiều vở kịch có cùng một chất liệu ra mắt khán giả...

2 năm trở lại đây, sân khấu phía Nam đón một luồng gió mới khi hàng loạt vở kịch ăn khách ra đời và đây đều là những vở kịch xuất thân từ các tác phẩm văn học đang được độc giả đón nhận. Điều này đáng để mừng, song cũng chứa đựng những nguy cơ gây nhàm chán cho thị hiếu người xem, một khi quá nhiều vở kịch có cùng một chất liệu ra mắt khán giả...

Kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học là điều không mới, thậm chí có thể nói tác phẩm văn học là “nguồn” chủ lực và truyền thống của kịch. Nhưng chỉ đến thời điểm 2 năm gần đây, với sự chuyển thể thành công một số tác phẩm kịch tính cao, phù hợp thì các sân khấu kịch phía Nam mới tỏa sáng trở lại.

Cuộc “đổ bộ” hoành tráng

Mở màn của xu hướng này phải kể đến các vở “Hãy khóc đi em” (Truyện ngắn “Trăng nơi đáy giếng” - Trần Thùy Mai), “Dòng nhớ”, “Cánh đồng bất tận” (các nguyên tác cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư). Cả ba tác phẩm kịch trên đều thành công vang dội khi hút một lượng lớn khán giả đến sân khấu trong thời gian dài, và gặt hái giải thưởng tại Liên hoan sân khấu toàn quốc.

Một cảnh trong vở “Dòng nhớ”

Sau đó, các nhà sản xuất tiếp tục “thừa thắng xông lên” khi “Trăng nơi đáy giếng” và “Cánh đồng bất tận” được dựng thành phim, tiếp tục kéo khách đến rạp...

Trong năm 2010, còn phải kể đến một vở kịch cũng được truyền thông một cách đình đám về quy mô, kinh phí, hiệu ứng. Đó là vở kịch được chuyển thể từ một tiểu thuyết Trung Quốc đã được “Việt Nam hóa” với ngòi bút của Trang Hạ (“Xin lỗi em chỉ là”, chuyển thể từ “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”), cũng đạt được kết quả khá khả quan ở sân khấu phía Nam.

Gần đây nhất, truyện ngắn “Chiều vắng” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục ra mắt khán giả ở dạng kịch, khi sân khấu Hoàng Thái Thanh quyết định chuyển thể tác phẩm này thành vở “Nửa đời ngơ ngác”, và gây được hiệu ứng khá tốt với dàn diễn viên Ái Như, Hồng Ánh, Trí Quang, Ngọc Lan, Như Phúc... và tài dàn dựng của đạo diễn Thành Hội.

Khi tập truyện “Khói trời lộng lẫy” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt độc giả, các nhà biên kịch cũng đã bày tỏ sự chú ý đến truyện ngắn “Khói trời lộng lẫy” và có dự định đưa lên sân khấu.

Thị hiếu nước mắt

Có một điểm chung để nhiều tác phẩm văn học được đưa lên sân khấu chính kịch và trở nên ăn khách tại thị trường TP.Hồ Chí Minh, đó là, ngoài nội dung sâu sắc, nhân văn... thì chính yếu là phải có kịch tính và nội dung gây xúc động. Một cốt truyện hay đến đâu, đặc sắc và ẩn ý đến đâu nhưng khó lòng phù hợp để chuyển thành kịch nếu không có yếu tố tạo hiệu ứng về cảm xúc, và thực tế cho thấy các tác phẩm kịch đã nói ở trên đều rất tốt ở khâu “lấy nước mắt khán giả”. Điều này cũng rất phù hợp với thị hiếu của sân khấu phía Nam. Chính ở đặc điểm này mà truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư rất được các nhà biên kịch “chuộng” để chuyển thể, và chuyển thể đến đâu thì hút khán giả đến sân khấu tới đó.

Lựa chọn này được xem là khá hợp lý và an toàn đối với các nhà biên kịch và các sân khấu. Đồng thời nhiều nhà biên kịch cũng cho biết “tác phẩm trong nước đang là kho tàng vô tận để sân khấu kịch khai thác”.Tuy nhiên, có một điểm cần bàn, đó là một món ăn dù ngon đến đâu, nhưng nếu bày đi bày lại trong một thời gian dài, ắt sẽ không tránh khỏi việc nhàm chán về khẩu vị.

Hiện tại, sân khấu phía Nam đang thắng lớn với những vở kịch trên, nhưng nếu “khai thác” quá mức, có khả năng sân khấu phía Nam sẽ dần đi vào lối mòn với những vở kịch có cùng chất liệu, na ná về nội dung và cách thể hiện. Nên chăng có thêm những “nguồn” khác cho kịch nói, nhằm làm phong phú thêm, đồng thời tìm ra một hướng đi chứa đựng nhiều sáng tạo, đột phá và mới mẻ cho sân khấu kịch phía Nam...?

Ngọc Mai

Đọc thêm