Kiểm sát viên được “bày tỏ quan điểm” trong phiên tòa Dân sự

(PLO) -  Sáng nay (25/11), QH thông qua dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Một trong những thay đổi đáng lưu ý trong Luật Tố tụng dân sự năm 2015 là vai trò của Viện kiểm sát trong vụ án dân sự .
Kiểm sát viên được “bày tỏ quan điểm” trong phiên tòa Dân sự
Trước đó, vào ngày 26/10/2015, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS). Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Bộ luật. 
Giải trình về quy định liên quan đến vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong TTDS, UBTVQH cho biết: Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng; Một số ý kiến ĐBQH cho rằng trong tố tụng dân sự VKSND không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng. 
UBTVQH nhận thấy việc xác định vị trí của VKSND trong tố tụng dân sự là nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, có cơ sở chắc chắn cho việc tiếp thu, chỉnh lý. UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp xin ý kiến của các vị ĐBQH bằng phiếu. Kết quả có 233 vị ĐBQH tán thành với loại ý kiến thứ nhất, (55,7%); có 185 vị ĐBQH tán thành với loại ý kiến thứ hai, (44,3%). 
Vì vậy, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất của ĐBQH , theo đó, VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng.
Về việc phát biểu quan điểm của VKSND tại phiên tòa sơ thẩm, Luật TTDS 2015 quy định sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên tham dự phiên tòa sẽ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, KSV phải gửi bản phát biểu ý kiến cho Tòa để lưu vào hồ sơ vụ án
Trước đó, trong phiên thảo luận một số ý kiến cho rằng VKSND chỉ có quyền phát biểu và kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, không phát biểu đề xuất quyết định giải quyết vụ án. Một số ý kiến khác cho rằng VKSND có quyền đề xuất quyết định giải quyết vụ án.
Về thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát, trong quá trình góp ý dự thảo, có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát, theo đó Viện kiểm sát có thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, vật chứng trong tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý bổ sung quy định trong dự thảo Bộ luật nội dung: Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Trường hợp kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có thể thu thập tài liệu làm căn cứ cho việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. 
Về trách nhiệm Tòa án bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của đương sự Luật TTDS 2015 quy định Khi được Chánh án toàn án phân công, thẩm phán có nhiệm vụ giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ  thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. 
Về trình tự, thủ tục đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Điều 75 BLTTDS quy định: Những người được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án cấp Giấy đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự gồm: Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư; Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; Đại diện của tổ chức đại diện tập thể người lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn; Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đương sự trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của những người đó không đối lập nhau. Nhiều người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một đương sự trong vụ án.
Khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đề nghị phải xuất trình các giấy tờ liên quan tới từng chủ thể riêng biệt như Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý, Đại diện của tổ chức đại diện tập thể người lao động...
Tòa án có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của những người quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người có yêu cầu biết.
BLTTDS sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016.

Đọc thêm