Kiểm soát an toàn thực phẩm: “Mạnh tay” với các cơ sở có nguy cơ cao

(PLO) - Năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp…
Đoàn liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Long An đang kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa)
Đoàn liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Long An đang kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa)

Góp phần quan trọng cho tăng trưởng 

Theo Bộ NN&PTNT, hầu hết các tỉnh đã triển khai vận động, hỗ trợ sản xuất nông sản, thủy sản  theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến nay đã có 1.406 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 18.200 ha, khoảng 500 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản là 2.618 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; trên 26.000 hộ chăn nuôi và trên 300 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.

Trên phạm vi toàn quốc cũng đã có 63/63 tỉnh, thành xây dựng thành công 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi.  

Năm 2017 là năm ghi dấu ấn có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhiều mô hình về liên kết với Hợp tác xã, hộ nông dân tổ chức chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, quy mô lớn như: Tập đoàn Vingroup triển khai chương trình liên kết với 1000 hợp tác xã; Tập đoàn Dabaco triển khai nhân rộng mô hình sản xuất chuỗi giá trị 3F; Công ty cổ phần Hùng Nhơn đầu tư hệ thống trang trại theo tiêu chuẩn Global GAP; Công ty Sanha triển khai chương trình liên kết sản xuất chuỗi sản phẩm thịt gà an toàn, trong đó có 120 trang trại chăn nuôi đạt chuẩn; Công ty Ba Huân đầu tư nhà máy xử lý trứng sạch... Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng đã tổ chức hệ thống siêu thị (5 siêu thị) kết nối với hơn 100 hợp tác xã nông nghiệp hình thành các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn... 

Đáng chú ý, năm 2017, Bộ NN&PTNT cũng đã giải quyết linh hoạt, hiệu quả các rào cản kỹ thuật, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản. Nhờ đó, đã có 62 cơ sở chế biến cá tra của Việt Nam được phép tiếp tục xuất khẩu vào Hoa Kỳ; Trung Quốc công nhận bổ sung 15 cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ được xuất khẩu tôm sống vào Trung Quốc. 

Từ kết quả của những biện pháp trên, cả năm 2017 không có sự cố lớn về an toàn thực phẩm xảy ra, góp phần tăng trưởng nông nghiệp. Kim ngạch XK nông sản đạt 36,1 tỷ USD, nông sản Việt đã đến tay người tiêu dùng của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường như xuất khẩu thịt gà, thanh long ruột đỏ sang Nhật; vải, nhãn sang Úc; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; EU đã giảm tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 20% xuống 10% đối với thanh long nhập khẩu của Việt Nam. 

Các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, việc chuyển hướng từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất là chủ yếu cùng với các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm theo chuyên đề đã góp phần giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ.

Kết quả giám sát năm 2017 cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm chủ lực. Theo đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33% (17.303/17.778 cơ sở). 

Từ kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2018 sẽ chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp. Tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo an toàn thực phẩm nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản. 

Bộ NN&PTNT nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Công an phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; các tổ chức, cá nhân đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ.

Đọc thêm