Kiểm soát chặt chẽ các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh

(PLVN) -Trong quý III/2019, việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm soát chặt chẽ trên tinh thần quán triệt và tuân thủ triệt để các yêu cầu, tiêu chí đặt ra trong các nghị quyết của Chính phủ.
Kiểm soát chặt chẽ các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh

Kết quả thực hiện được phản ánh tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì soạn thảo. Cụ thể, quý III vừa qua, Bộ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật Thư viện. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thành lập thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng và thư viện có yếu tố nước ngoài bằng hình thức thông báo hoạt đông, thay vì đăng ký hoạt động như quy định hiện hành. Ngoài ra, Bộ chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Việc soạn thảo dự thảo Nghị định này nhằm mục tiêu cải cách hành chính, tăng quyền quản lý cho các địa phương, mở rộng hơn hoạt động biểu diễn nghệ thuật. 

Đặc biệt, trong tháng 8, Vụ Pháp chế của Bộ phối hợp với Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (Bộ Tư pháp) tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như, Hội nghị đối thoại về các vướng mắc, bất cập trong thực hiện thi hành xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa (Hà Nội); Hội nghị đối thoại về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật du lịch đối với doanh nghiệp (Quảng Ninh); Hội nghị đối thoại về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, thể thao (Hải Phòng)… Những vướng mắc, bất cập trong thi hành pháp luật của doanh nghiệp đã được giải đáp, hướng dẫn chi tiết tại các Hội nghị. Một số vấn đề đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu và kịp thời điều chỉnh trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Xây dựng.

Về cải cách thủ tục hành chính, quý III/2019, Bộ tiếp tục triển khai rà soát, đơn giản hóa 27 thủ tục trong 3 lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (19 thủ tục); điện ảnh (3 thủ tục) và bản quyền tác giả (5 thủ tục). Sau khi được Bộ trưởng công bố các thủ tục mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, 100% các đơn vị có thủ tục hành chính đều niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục tại Bộ phận một cửa của đơn vị, đồng thời công khai trên Trang thông tin điện tử của đơn vị, trên Công thông tin điện tử của Bộ để phục vụ kịp thời nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của cá nhân, tổ chức.

Đáng chú ý, để phòng ngừa tình trạng sách nhiễu trong giải quyết công việc, ngày 16/7/2019, Bộ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền ha cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ tuân thủ đúng quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thời gian từ khi công bố quyết định thanh tra đến khi kết thúc thanh tra trực tiếp đối với mỗi doanh nghiệp thường chỉ diễn ra trong một buổi. Điều này giúp cho doanh nghiệp giảm được chi phí hành chính trong việc chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phản ánh, một số nhiệm vụ để giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuộc công tác pháp chế (như theo dõi thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…) không có nguồn chi riêng nên còn khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; đội ngũ công chức làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ còn mỏng và thường phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, chế độ, chính sách đối với cán bộ pháp chế không có nên khó thu hút nhân lực có chất lượng cao.

Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 trong thời gian tới, Bộ đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng các kế hoạch hành động với những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể nhằm tạo sự đột phá trong việc giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1. 

Đọc thêm