Kiểm soát chặt chẽ nợ thuế của doanh nghiệp xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý IV/2023 do Bộ Tài chính tổ chức cuối tuần qua, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, nợ thuế của doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu (KDXD) được kiểm soát chặt chẽ.
Tổng kho xăng dầu của Hải Hà Petro và các tàu chở dầu bị niêm phong. (ảnh: Báo Lao động).
Tổng kho xăng dầu của Hải Hà Petro và các tàu chở dầu bị niêm phong. (ảnh: Báo Lao động).

Theo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về XD do Thanh tra Chính phủ công bố hôm 4/1, mặc dù còn nợ ngân sách nhà nước (NSNN) tiền thuế bảo vệ môi trường (BVMT) nhưng một số thương nhân đầu mối KDXD đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.

Tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, thuế BVMT được tính trong giá cơ sở XD, là thuế gián thu, Nhà nước giao cho các thương nhân đầu mối KDXD thực hiện thu trên số lượng XD bán ra và nộp vào NSNN. “Hiện Tổng cục Thuế đang kiểm soát chặt chẽ số nợ thuế của các DN nói chung, các cục thuế địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình thực hiện các quy định về quản lý thuế…” - Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn khẳng định, đồng thời cho biết, trong tổng số 34 DN KDXD đầu mối, có gần 10 DN nợ thuế.

“Thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, các DN tự khai, tự nộp, tự tính và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và đôn đốc nợ thuế với nghĩa vụ nộp NSNN….” - ông Sơn cho hay.

Thời gian qua, các cơ quan thuế đã đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chẳng hạn với Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã đôn đốc và áp dụng quy trình cưỡng chế nợ thuế. Theo đó, khi phát sinh nợ thuế từ 91 ngày trở lên, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế tài khoản; từ ngày 121 cưỡng chế hoá đơn, áp dụng biện pháp khác theo quy định như cấm xuất cảnh với người đại diện theo pháp luật của DN, hay kê biên tài sản. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ thuế gặp khó khăn do cơ quan thuế không nắm được dòng tiền của DN. Trong khi đó, việc kê biên tài sản cũng vướng mắc khi DN đã lấy làm tài sản bảo đảm khoản vay tại ngân hàng…

“Vì vậy, trong năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ đánh giá quy trình, biện pháp và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động SXKD của DN như: Báo cáo tài chính và kết quả SXKD. Tới đây, khi sửa đổi quy định pháp luật, cơ quan thuế cũng sẽ đánh giá lại những khó khăn khi cưỡng chế, kê biên tài sản để bổ sung, sửa đổi phù hợp…” - ông Sơn cho hay.

Giải thích thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc quản lý thuế theo nguyên tắc DN tự khai, tự xác định số tiền phải nộp vào NSNN. Còn việc quản lý dòng tiền do DN chủ động, quản lý theo Luật Doanh nghiệp, cơ quan thuế có trách nhiệm giám sát ở mức độ cao hơn, chứ không thể kiêm nhiệm tất cả. "Chỉ đến khi thanh, kiểm tra mới phát hiện những vấn đề liên quan. Các DN vi phạm về quản lý dòng tiền sẽ bị xử lý theo quy định" - Lãnh đạo Bộ Tài chính nói.

Về việc quản lý Quỹ Bình ổn giá XD (BOG), ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của DN là chuỗi số liệu nhiều kỳ, Cục Quản lý giá đã mời từng DN lên để trao đổi, làm rõ số liệu. Trên cơ sở đó, đã đề nghị DN rà soát lại, phối hợp cơ quan liên quan để thực hiện đầy đủ theo kết luận thanh tra.

Rà soát toàn bộ giấy phép kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối XD kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép KD xuất khẩu, nhập khẩu XD, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối XD.

Theo Bộ Công Thương, thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, thương nhân đầu mối sẽ phải báo cáo chi tiết về điều kiện có cầu cảng chuyên dụng (sở hữu, thuê, khả năng tiếp nhận tàu chở XD); kho tiếp nhận XD (số lượng; sở hữu; thuê của DN nào, ở đâu; thời gian thuê); phương tiện vận tải XD (số lượng, sở hữu, thuê, chủng loại phương tiện, thời gian thuê). Thương nhân đầu mối cũng phải báo cáo cụ thể về hệ thống phân phối XD, trong đó có liệt kê cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê (từ 5 năm trở lên), đại lý bán lẻ XD, thương nhân nhận quyền bán lẻ XD, tổng đại lý KDXD.

Ngoài ra, thương nhân phân phối phải báo cáo hệ thống phân phối XD của thương nhân với các thông tin cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê, cửa hàng trực thuộc đại lý bán lẻ XD, cửa hàng trực thuộc thương nhân nhận quyền bán lẻ XD…

Việc tổng kiểm tra rà soát này được thực hiện trong bối cảnh Thanh tra Chính phủ kết luận việc Bộ Công Thương cho phép thuê kho, bể chứa XD để làm điều kiện cấp giấy phép, giấy xác nhận chưa khuyến khích các thương nhân đầu mối đầu tư phát triển kho chứa XD, dẫn đến khó đáp ứng được yêu cầu về kho dự trữ XD thương mại. Từ năm 2017 đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện đầu tư xây dựng kho XD thương mại theo quy hoạch chỉ đạt 15%. Hoàng Tú

Đọc thêm