Chi bằng tiền mặt giảm
Tại buổi họp báo chuyên đề tổ chức chiều 28/4, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, hiện tổng số chi ngân sách nhà nước (NSNN) một năm chiếm ¼ tổng chi tiêu toàn xã hội. Công tác KSC được KBNN đặt lên hàng đầu vì liên quan đến các đơn vị sử dụng ngân sách gồm cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập…
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Vinh, công tác CCHC hiện đại hóa của KBNN có mấy nội dung “giảm” quan trọng gồm: Giảm hồ sơ giấy tờ; Giảm thủ tục; Giảm đầu mối (từ 3 xuống còn 1 như hiện nay); Giảm thời gian kiểm soát thanh toán (trước 7 ngày nay còn 4 ngày); Giảm tiếp xúc trực tiếp với cán bộ công chức KBNN. Đồng thời có 8 khâu tự động gồm: Tiếp nhận hồ sơ; Kiểm soát; Kế toán; Thanh toán; Trả kết quả; Lưu trữ hồ sơ; Báo cáo; Đối chiếu.
Đại diện KHNN cũng tổng kết có 4 cái “hơn” trước đây, đó là: Công khai, minh bạch hơn; Chặt chẽ hơn; An toàn hơn; Hiệu quả hơn. Một trong các dẫn chứng được ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng vụ KSC, KBNN đưa ra là hệ thống KBNN đã thực hiện KSC theo ngưỡng chi đối với các khoản chi nhỏ lẻ có giá trị từ 20 triệu đồng trở xuống nhằm tiến tới việc KSC theo giá trị; KSC theo rủi ro; theo khoán chi đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công. “Các khoản chi dưới 20 triệu chiếm 80% giao dịch tại KBNN nhưng chiếm 20% tổng giá trị. Do vậy, cải cách này đã được Ngân hàng thế giới đánh giá cao…” - ông Hà cho hay.
Một con số nữa được ông Trần Mạnh Hà đưa ra là trước đây các khoản chi lớn không dùng tiền mặt chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách (NS), thì năm 2018 tổng số tiền chi bằng tiền mặt giảm xuống còn 6% và có khả năng tiếp tục giảm.
Tăng cường ứng dụng CNTT
Từ năm 2013 đến nay, hệ thống KBNN đã triển khai và thực hiện công tác KSC trên hệ thống TABMIS quản lý tập trung số liệu chi NS toàn quốc tại mọi thời điểm. Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Vinh, việc kiểm soát dự toán của các đơn vị sử dụng ngân sách đã được kiểm soát trên hệ thống TABMIS, trên cơ sở dự toán do các bộ, ngành và địa phương nhập và cơ quan tài chính phê duyệt trên hệ thống TABMIS để làm cơ sở KSC theo đúng đối tượng, đúng dự toán được giao và chuyển tiền theo đúng nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ...
Đặc biệt, KBNN đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của KBNN từ tháng 2/2018 (từ khâu tiếp nhận hồ sơ điện tử, lưu trữ hồ sơ điện tử, đến trả kết quả điện tử) nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, các chủ đầu tư; đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch quá trình thực hiện KSC của KBNN và rút ngắn thời gian kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách theo lộ trình đã được phê duyệt.
Cụ thể, trong năm 2019 triển khai theo kế hoạch 100% các thủ tục hành chính KBNN được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng ngân sách có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dịch vụ công mức độ 4.
Để góp phần nâng cao công tác quản lý tài chính của các đơn vị sử dụng NS và phòng ngừa, hạn chế rủi ro, thất thoát tiền trên tài khoản đối với các đơn vị giao dịch tại KBNN, hiện KBNN đang triển khai thí điểm chương trình thông báo biến động số dư tài khoản cho các đơn vị giao dịch mở tài khoản tại KBNN trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Khánh Hòa và Bình Dương. Theo đại diện KBNN, kết thúc thời gian triển khai thí điểm (tháng 6/2019), KBNN sẽ đánh giá kết quả triển khai thí điểm và xây dựng phương án, lộ trình triển khai chương trình nhắn tin thông báo biến động số dư tài khoản trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, hệ thống KBNN đã xây dựng chương trình báo cáo nhanh để cung cấp số liệu thu, chi NSNN hàng ngày cho các cấp chính quyền ở trung ương và địa phương trên cơ sở dữ liệu chiết xuất từ hệ thống TABMIS, chương trình tổng hợp báo cáo,…của KBNN; Kết nối hệ thống thông tin với Bộ Tài chính, nhằm sử dụng các danh mục dùng chung như mã dự án đầu tư, mã quan hệ ngân sách nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện.