Kiểm soát người ngoại tỉnh nên linh hoạt để 'thông đường' phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Người từ miền Nam vẫn đi ra, nếu địa phương không có biện pháp kiểm soát, dẫn đường đưa họ về địa phương theo dõi cách ly thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao...", một lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Thọ) nói.
Kiểm soát người ngoại tỉnh nên linh hoạt để 'thông đường' phòng COVID-19

Bộ Y tế mới có hướng dẫn chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Trước đó ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh COVID-19". Theo đó, toàn quốc tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 và nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh được mở cửa.

Tuy nhiên, hôm nay, 14/10, tại 22 chốt cửa ngõ ra/vào Hà Nội, xe tải chở hàng hóa đến xe cá nhân của người dân đều được liên ngành Cảnh sát, Thanh tra giao thông dừng kiểm tra giấy tờ. Nhiều người đã có chứng nhận xanh tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 vẫn bị yêu cầu xuống xe, vào chốt khai báo y tế.

Xe ra, vào thủ đô xếp hàng dài chờ làm thủ tục. Ảnh: Báo Lao Động

Xe ra, vào thủ đô xếp hàng dài chờ làm thủ tục. Ảnh: Báo Lao Động

Liên quan đến thực tế trên, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng tạm thời vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát ra vào Thủ đô do chưa có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, nhưng các chốt sẽ linh hoạt để tránh gây ùn tắc.

Các loại giấy tờ mà người đi đường cần phải trình báo tại chốt cửa ngõ Hà Nội gồm giấy xác nhận xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ, chứng nhận tiêm phòng vaccine COVID-19, giấy tờ tùy thân, giấy đi đường hoặc giấy xác nhận ra vào Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ công vụ, chống dịch.

Tại tỉnh Phú Thọ, theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Thọ), hiện có 10 chốt kiểm soát người ngoại tỉnh vào Phú Thọ nhưng các chốt hoạt động linh hoạt tùy vào tình hình các địa phương. Người dân từ các khu vực có nguy cơ cao vẫn phải làm test xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phú Thọ chủ yếu kiểm soát người dân từ Hà Nội, TP HCM… qua các chốt liên quan đến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, chốt tại Cầu Văn Lang, chốt tại cầu Việt Trì, cầu Trung Hà, cầu Đồng Quan.

Vị lãnh đạo này cho hay, trước đây, Phú Thọ có 21 chốt kiểm tra cấp tỉnh và 16 chốt cấp huyện, nhưng hiện tỉnh chỉ duy trì 10 chốt chính. Bộ Y tế đã có hướng dẫn, địa phương sẽ vận dụng tùy tình hình thực tế để đảm bảo phòng, chống dịch.

"Các địa phương của Phú Thọ sẽ có chỉ đạo linh hoạt, kịp thời tạo điều kiện cho người dân đi lại. Người từ miền Nam vẫn đi ra, nếu địa phương không có biện pháp kiểm soát, dẫn đường đưa họ về địa phương theo dõi cách ly thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao. Đối với xe khách theo hướng dẫn phải kiểm soát ở điểm đầu và điểm đến. Tại bến xe đều có hướng dẫn và đơn vị vận chuyển phải có trách nhiệm. Còn cơ quan chức năng kiểm tra theo chức năng", vị lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Thọ) nói.

Chốt khai báo y tế dành cho các tài xế. Ảnh: Báo Lao Động

Chốt khai báo y tế dành cho các tài xế. Ảnh: Báo Lao Động

Thượng tá Trần Văn Dũng – Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, UBND tỉnh chưa có văn bản mới chỉ đạo việc kiểm soát người dân ra vào tỉnh. Do đó, các chốt vẫn thực hiện kiểm soát phương tiện, muốn vào tỉnh phải có xét nghiệm PCR, test nhanh như cũ. Hưng Yên hiện có 13 chốt. Tất cả lái xe vẫn phải có xét nghiệm, test nhanh, khai báo y tế. Xe luồng xanh vẫn được tạo điều kiện, ưu tiên.

Tương tự tại tỉnh Hải Dương, hiện chưa có văn bản điều chỉnh từ UBND tỉnh nên các chốt cũng tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn trước đó. Hải Dương hiện kiểm soát người về từ Hà Nội, Hưng Yên, còn các chốt tiếp giáp Quảng Ninh, Hải Phòng dừng hoạt động. Người từ các tỉnh về Hải Dương vẫn cần có giấy xét nghiệm COVID-19 và giấy đi đường, khai báo y tế đầy đủ.

Người dân quét mã QR Code để khai báo y tế. Ảnh: Báo Lao Động

Người dân quét mã QR Code để khai báo y tế. Ảnh: Báo Lao Động

Ngày 12/10, Bộ Y tế ký ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Theo đó, có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19: Các ca mắc mới tại cộng đồng/ số dân/ thời gian; Độ bao phủ vaccine; Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ.

Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân: chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnhchỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.

Thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.

Người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em) thực hiện cách ly tại nhà

Đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1): thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em) thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm